Những chính sách ít nhiều có tác động đến thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản thời gian qua đã liên tục trải qua những “cú sốc” mạnh mà một phần trong đó đến từ một số chính sách, đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước . Cho dù những đề xuất này còn đang trong giai đoạn xem xét nhưng ít nhiều vẫn có tác động đến thị trường bất động sản.
chung-cu-Startup-Tower-dai-mo

Đề xuất đánh Thuế tài sản với nhà trên 700 triệu có tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bất động sản

Đề xuất đánh Thuế tài sản với nhà trên 700 triệu đồng của Bộ Tài Chính

Bộ Tài chính đang xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó có đề xuất đánh thuế tài sản nhà ở với 2 phương án là nhà có giá trên 700 triệu đồng hoặc nhà có giá trên 1 tỷ đồng. Bộ giải thích rõ, chỉ đánh thuế với phần giá trị vượt trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng, phần dưới giá trị này không bị đánh thuế. Bộ cũng đưa ra 2 phương án về mức thuế tài sản là 0,3% hoặc 0,4%.

Ngay khi công bố, đề xuất trên đã gây xôn xao dư luận và giới chuyên môn. Người dân, đặc biệt là đối tượng người thu nhập thấp lo lắng khi dự luật thuế mới nếu được áp dụng sẽ khiến giấc mơ mua nhà của họ càng xa vời hơn. Vì thực tế thị trường cho thấy, tại các đô thị đông dân như Hà Nội, TP.HCM, rất khó có thể tìm được căn hộ, nhà ở có giá dưới ngưỡng chịu thuế.

Đánh giá về đề xuất này của Bộ Tài chính, các chuyên gia cho biết, thuế tài sản không chỉ bất hợp lý mà còn phi thực tế. Ngoài ra cũng có ý kiến lo ngại, thuế tài sản có thể khiến giao dịch trên thị trường chững lại, giá nhà tăng cao hơn. Hơn nữa, người dân hiện đã phải chịu quá nhiều loại thuế, nếu thêm thuế nhà đất sẽ gây bất bình trong dân.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng, thuế tài sản là cần thiết nhưng cần có lộ trình và thời gian thích hợp để có thể góp phần giảm nạn đầu cơ bất động sản như mục tiêu mà Bộ Tài chính đề cập.

Tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)

van don

 Tạm dừng các giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở Vân Đồn

Ngày 3/5, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn. Theo lãnh đạo Quảng Ninh, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc “sốt” giá đất tại Vân Đồn.

Đánh giá về động thái này của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc ngăn chặn hiện tượng giao dịch, mua bán đất đai trái quy định pháp luật, ngăn chặn đầu cơ đẩy giá bất động sản, tạo thị trường ảo và bong bóng giá trị bất động sản là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương.

Tuy nhiên, động thái của tỉnh Quảng Ninh là dừng mọi giao dịch mua bán nhà đất chờ phê duyệt quy hoạch là không nên và hoàn toàn sai luật.

“Việc này sẽ khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng, gây hậu quả rất nặng nề khó hồi phục lại trong một thời gian dài. Thậm chí cả các nhà đầu tư tương lai sẽ quay lưng với thị trường bất động sản Quảng Ninh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng mục đích đưa Vân Đồn thành đặc khu kinh tế của Chính phủ”, ông Đính nhận định.

Tiếp ngay sau quyết định của tỉnh Quảng Ninh là Phú Quốc (Kiên Giang) có “lệnh” tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa. Theo đó, trong thời gian chờ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện.

Ngày 7/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo Sở tài nguyên và Môi trường về việc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong. Theo đó, công văn nêu rõ: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở xây dựng, Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong và UBND huyện Vạn Ninh tham mưu, dự thảo Văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Không tiếp tục xây chung cư cao tầng tại khu trung tâm

Thủ tướng chính phủ yêu cầu bộ GTVT chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tổng kết nhiệm vụ 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP làm cơ sở xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 16/2008 về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM. Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ ngành tại hai TP này cần đưa ra các giải pháp để không xây dựng các chung cư căn hộ nhà cao tầng tại khu trung tâm.

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ nhận được sự ủng hộ của dư luận với kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu trung tâm trong bối cảnh các công trình cao tầng đang mọc lên quá nhiều gây “ngột ngạt” cho các đô thị.

Doanh nghiệp nhà nước không được dùng vốn đầu tư địa ốc

Từ ngày 1/5/2018, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.

Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước không được dùng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản). Các doanh nghiệp nhà nước cũng không được phép góp vốn, mua cổ phần tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định trên được ban hành trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước do thiếu kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm thị trường đã để vốn thất thoát hoặc bị “ngâm” trong bất động sản, dẫn đến kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp giải thể…

Thuê, mượn nhà trên 20m2 mới được thường trú tại TP.HCM

Đầu tháng 2/2018, Sở Xây dựng TP.HCM gửi tờ trình đề xuất: để được đăng ký thường trú tại TP.HCM, người dân phải có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP tối thiểu là 20m2 sàn/người. Đề xuất nêu rõ thủ tục này áp dụng trên toàn bộ địa bàn TP, không phân chia theo địa giới hành chính và sẽ điều chỉnh tăng theo sự phát triển kinh tế, xã hội của TP từng thời kì.

Liên quan đến đề xuất này, Hiệp hội bất động sản TP.HCM lo ngại đề xuất sẽ làm khó cho người dân nhập cư và cho rằng thay vì siết quy định nhập cư, TP nên có giải pháp hợp lý hơn.

Là người trong ngành, KTS Võ Kim Cương cũng cho rằng, nên tận dụng nguồn lực rất lớn từ người nhập cư đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ an cư.

Phạt nặng doanh nghiệp bất động sản làm ăn không nghiêm túc

Từ ngày 15/1/2018, các doanh nghiệp bất động sản làm ăn không nghiêm túc sẽ bị xử phạt theo Nghị định 139/2017 của Chính phủ. Cụ thể: nhân viên môi giới có hành vi sửa chữa, tẩy xóa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề… sẽ bị phạt 10 – 15 triệu đồng và thu hồi chứng chỉ ngành nghề; sàn giao dịch bất động sản đưa các sản phẩm bất động sản không đủ điều kiện kinh doanh vào giao dịch bị phạt 40 – 50 triệu đồng và đình chỉ kinh doanh 6 – 12 tháng; không thành lập sàn giao dịch, hợp tác xã theo quy định; kinh doanh khi không đủ vốn pháp định; không công khai hoặc công khai không đúng thông tin về các dự án bất động sản, nhà ở… bị phạt từ 50 – 60 triệu đồng.

Đối với chủ đầu tư dự án, nếu bán hoặc cho thuê dự án chưa có bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của ngân hàng thương mại đủ năng lực bị phạt từ 60 – 80 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu chủ đầu tư bàn giao nhà, công trình khi chưa nghiệm thu, chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo kết nối hạ tầng hoặc chiếm dụng vốn trái phép, dùng vốn huy động không đúng mục đích… mức xử phạt sẽ từ 250 – 300 triệu đồng.

Nguồn: nhadautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo