Nhiều nhà đầu tư lớn đang nhắm đến Vũng Tàu
Sovico Group, VinGroup, Novaland, FLC, Hưng Thịnh Group… đều đang nghiên cứu, đầu tư dự án tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tiềm năng về đất đai, vị trí địa lý, giao thông thuận lợi cùng chính sách mở cửa thu hút đầu tư của chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là lý do khiến các doanh nghiệp (DN) lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đến đây tìm hiểu, triển khai dự án.
Lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực
Đảo Gò Găng, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu là một vùng đất còn hoang sơ, tiềm năng phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua tiềm năng của vùng đất này chưa được khai thác. Việc phát triển kinh tế và đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch chưa được triển khai. Do vậy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mong muốn lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, có tầm nhìn để biến nơi đây thành một khu đô thị mới đẳng cấp, trong đó có sân bay Gò Găng.
Dự án sân bay Gò Găng được thiết kế nhằm phục vụ kế hoạch di dời sân bay Vũng Tàu hiện hữu. Theo dự kiến, cảng hàng không này là cảng nội địa phục vụ cho hoạt động bay trực thăng, bay taxi nội vùng. Quy mô cảng sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II. Công suất cảng 100.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa mỗi năm. Kinh phí xây sân bay mới khoảng 1 tỉ USD. Riêng đối với khu đô thị và sân bay Gò Găng khá nhiều nhà đầu tư xin triển khai.
Cụ thể, tháng 10-2019, tỉnh đã giao các sở, ngành hướng dẫn liên doanh gồm: Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest và Công ty CP Đầu tư VCI thực hiện việc nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư dự án sân bay Gò Găng, xã Long Sơn và phương án đầu tư mới tại khu vực sân bay hiện tại ở phường 9.
Chỉ hai tháng sau, Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có buổi tiếp, làm việc cùng Tập đoàn Sovico (Sovico Group) của gia đình tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (hãng máy bay VietJet) để nghe tập đoàn này đề xuất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai dự án lớn, trong đó có dự án sân bay Gò Găng. Trước đó, một liên doanh khác cũng đã xin chủ trương đầu tư sân bay Gò Găng này.
Bên cạnh việc đầu tư ở TP Vũng Tàu thì các DN như FLC, Novaland, Hưng Thịnh lại đang nhắm tới các huyện lân cận như Xuyên Mộc và Đất Đỏ. Các địa phương này có tiềm năng phát triển du lịch biển, kết hợp sinh thái rừng núi tự nhiên.
Trong đó, dự án Safari Hồ Tràm (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) do liên doanh Tập đoàn Novaland và Công ty TNHH Du lịch thương mại Á Đông Vidotour phát triển với quy mô hơn 600 ha. Tổng thể quy hoạch dự án sẽ gồm khu vườn thú mở, công viên hoang dã safari đầu tiên của khu vực phía nam, khu công viên nước và công viên chủ đề độc đáo, khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu khách sạn ven biển đẳng cấp năm sao, tổ hợp giải trí – thương mại – dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái… đang triển khai.
Điều chỉnh chiến lược kinh tế
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay trong vài năm trở lại đây nguồn thu từ ngành công nghiệp dầu khí sụt giảm. Do vậy, lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng có những điều chỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế, chuyển hướng thu hút đầu tư mạnh ở những lĩnh vực tiềm năng. Đặc biệt là những thế mạnh của tỉnh như du lịch, cảng biển, khai thác tiềm năng đất công. Tỉnh cũng đang chọn lựa các nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án để bù đắp lại sự thiếu hụt trên.
Năm 2019, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương đóng góp ngân sách đứng thứ ba cả nước sau TP.HCM và Hà Nội. Điều này chứng minh hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn này là hoàn toàn đúng.
Trong năm 2020 tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành công khai, minh bạch lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự để sớm triển khai các dự án trọng điểm về du lịch, khu đô thị.
Ông Lĩnh cũng cho hay tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh, phối hợp cùng các địa phương, bộ, ngành trong việc sớm triển khai các tuyến đường giao thông kết nối như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Long Sơn – Cái Mép, cầu Phước An nối cao tốc Bến Lức – Long Thành về Đồng Nai với Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các doanh nghiệp lớn nhắm đến lĩnh vực mới
Hiện nay ngoài các DN FDI từ nước ngoài như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), SCG (Thái Lan)… với các dự án đang triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp dầu khí, hóa chất, sản xuất hạt nhựa, cảng biển thì còn có các “ông lớn” người Việt Nam. Có thể điểm mặt một số DN như Sovico Group, FLC, VinGroup, Novaland, Hưng Thịnh, Tập đoàn Nguyễn Hoàng… là những DN đã và đang dự kiến đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các DN Việt Nam nhắm tới những lĩnh vực làm thay đổi mạnh mẽ hơn nữa bộ mặt các đô thị, huyện lỵ của Bà Rịa-Vũng Tàu đó là du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản nghỉ dưỡng – khu đô thị mới và kể cả một số lĩnh vực mới như giáo dục.
Theo Báo Pháp luật TPHCM