Nhiều dự án của doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả
Theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, tổng mức đầu tư hơn 42.700 tỷ đồng.
Những đơn vị nào không rà soát, báo cáo dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả?
Ngày 21/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước rà soát, tập hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trước tháng 6/2017 về các dự án thua lỗ kéo dài, không có khả năng phục hồi; thực hiện xử lý theo thẩm quyền, kể cả giải pháp phá sản và hoàn thành xử lý trước tháng 6 năm 2018.
Ngày 05/5/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4576/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến nội dung nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Tại Công văn số 4576/VPCP-KTTH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có đề ra các giải pháp khắc phục, xử lý các dự án đầu tư đang thực hiện không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.
Để triển khai thực hiện thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngày 16/6/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4917/BKHĐT-PTDN đề nghị các Bộ ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước rà soát các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/6/2017.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 25/8/2017, mới chỉ có 11/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 1/8 cơ quan thuộc Chính phủ , 39/63 địa phương, 02/06 Tập đoàn kinh tế (VNPT, VRG), 9 Tổng công ty (Vinafood 1, Vinafood 2, SCIC, Vinataba, Vinalines, SBIC, Vinapaco, Vinacafe, Khánh Việt) đã gửi báo cáo theo hướng dẫn tại Công văn số 4917/BKHĐ-PTDN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhiều bộ, địa phương quản lý nhiều doanh nghiệp nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM; một số tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than – Khoáng sản, một số Tổng công ty như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị… chưa gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong đó đặc biệt là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương có tổng mức đầu tư là 63.610 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ cũng không thực hiện báo cáo.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong 12 dự án yếu kém với khoản thua lỗ lên tới hơn 2.000 tỷ đồng . Ảnh: Nguyễn Dương/Zing.vn |
Tăng vốn hơn 9.019 tỷ đồng
Theo thống kê tại các báo cáo gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 25/8/2017, có 43 dự án của các doanh nghiệp (các tổng công ty, công ty) thuộc các bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng là các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả theo một số tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Theo đó, số dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng so với mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 15 dự án (tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 22.536 tỷ đồng, tăng 2,03 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu).
Số dự án có doanh thu, lợi nhuận thực tế thấp hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt là 25 dự án ( tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.384 tỷ đồng, tăng 1,14 lần so với tổng mức ban đầu).
Số dự án đầu tư dở dang, chưa đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch đầu tư là 29 dự án (ổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 4.236 tỷ đồng, tăng 1,15 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu).
Số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành; chi phí sản xuất thực tế cao hơn chi phí sản xuất theo tính toán khi thiết kế dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi); thời gian lỗ thực tế kéo dài hơn thời gian lỗ kế hoạch là 20 dự án (tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 12.465 tỷ đồng, tăng 1,21 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu).
Ngoài ra, có 8 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả đã được thanh lý, hoặc chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư.
Như vậy, tính chung 72 dự án được báo cáo lần này có tổng vốn ban đầu là 33.725 tỷ đồng và tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng, tăng 9.019 tỷ đồng.
Theo Báo Đầu tư Online.