Nhiều dự án FDI ‘khủng’ đang xếp hàng chờ vào Việt Nam

Việt Nam đã tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lựa chọn điểm đến, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đã có 14 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng qua, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) FDI đánh giá, triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Nhiều dự án FDI 'khủng' đang xếp hàng chờ vào Việt Nam
                                                       Trong 5 tháng của năm 2021, có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. (Nguồn: VGP News)

Triển vọng sáng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần… của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Mới đây nhất, ngày 21/5, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đợt 1 năm 2021 cho 5 DN nước ngoài với tổng số vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Trong thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành, những con số từ Bình Dương thật có ý nghĩa. Cùng với Bình Dương, một loạt các tỉnh, thành trên cả nước đều đón nhận luồng vốn FDI khả quan.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký của các dự án vốn FDI thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn tại Hà Nội đạt 519,2 triệu USD; trong đó, có 139 dự án đăng ký mới với số vốn đạt 76,8 triệu USD và 63 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 442,4 triệu USD.

Riêng trong tháng 5/2021, Hà Nội có 16 dự án FDI được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 triệu USD, gồm 14 dự án 100% vốn FDI, 2 dự án liên doanh, liên kết. Tại Long An, ngoài các dự án lớn từ đầu năm như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) tổng vốn đăng ký “khủng” trên 3,1 tỷ USD, hay dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Tại Hải Phòng có dự án 475 triệu USD của Intel (Mỹ); dự án mở rộng 750 triệu USD của LG Display (Hàn Quốc)…

Đáng mừng hơn, ngoài các dự án đã được cấp phép, hàng loạt dự án FDI “khủng” cũng đang xếp hàng vào Việt Nam. Tập đoàn Foxconn đã có chuyến tìm hiểu tại Thanh Hóa với mong muốn được tỉnh giới thiệu địa điểm và ủng hộ tập đoàn xây khu công nghiệp khoảng 150ha để làm các nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD.

Cũng tại Thanh Hóa, Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với tổng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD.

Trong 5 tháng của năm 2021, có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đây là những tín hiệu vui cho thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2021, năm được Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UCTAD) dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Quy mô các dự án đều tăng

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam vẫn thu hút được vốn FDI, điều đó đã là gây sự ngạc nhiên với cộng đồng quốc tế. Năm nay, còn tăng hơn so với cùng kỳ, đó cũng là một sự ngạc nhiên mới.

Đáng chú ý, quy mô dự án FDI đã tăng lên đáng kể. Trong 5 tháng tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn điều chỉnh cũng có xu hướng tương tự khi tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt tới 3,86 tỷ USD tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Xuất, nhập khẩu của khu vực FDI vẫn tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm; xuất siêu 12,6 tỷ USD kể cả dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 12,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 131 triệu USD.

Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI do tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, FTA đã đem lại lợi thế cho Việt Nam trong tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20. Đó là một trong những lý do để Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Nói về việc đầu tư thêm 100 triệu USD cho dự án giấy 1 tỷ USD, Chủ tịch Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan – Trung Quốc) Cheng Tsun Hui cho biết, đây là một bước phát triển mới trong chiến lược đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam.

Còn ông Kenneth Atkinson, thành viên HĐQT Hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (Britcham) cho hay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, ghi dấu ấn thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2019…

Những thành công này đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Duy trì lợi thế cạnh tranh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, số vốn FDI đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. Đặc biệt, có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Việt Nam đã chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với đó, rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các DN nước ngoài, đặc biệt là đối với DN có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các DN không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam.

Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để hỗ trợ các tập đoàn đa quốc gia, DN nước ngoài lớn nắm bắt kịp thời các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam; một loạt dự luật quan trọng đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh được ban hành; cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn được bổ sung…

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Xét về tính bền vững của các dự án đầu tư FDI, nếu theo tiêu chí môi trường thì có thể bảo đảm vì Việt Nam có kinh nghiệm trong thẩm định và quyết định dự án nào không tốt cho môi trường. Tuy nhiên, để tận dụng xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, Việt Nam cần có chính sách dài hạn trong phát triển công nghiệp phụ trợ. Đây là bước đi cần thiết để giảm tình trạng gia công đã kéo dài từ rất lâu trong nền sản xuất, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao hơn”.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, địa phương nào có sự chủ động về hạ tầng, nhanh nhạy trong việc giải quyết vướng mắc, tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, thủ tục thì sẽ mời gọi được các “ông lớn”.

“Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Các địa phương cũng phải nỗ lực hơn nữa, pháp lý cần minh bạch, rõ ràng hơn, bảo đảm tính dài hạn nhằm tạo sự an tâm cho nhà đầu tư”, chuyên gia này góp ý.

Theo Báo Thế Giới & Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo