Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Núi Thoong Chương Mỹ: Phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng
Sáng 17/1, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đã kiểm tra tình hình triển khai và công tác giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại của người dân liên quan đến việc thực hiện Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ.
Theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Tạ Quang Được: Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong có tổng diện tích 104.175,9m2; trong đó, diện tích giao thực hiện Dự án là 103.138,9m2, diện tích cải tạo dòng chảy suối là 1.037m2, gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn I, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai được UBND tỉnh Hà Tây cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 20.000m2, mục đích sử dụng đất là xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận và chôn lấp chất thải rắn đầy ô số 1 được khoảng 30 nghìn tấn, Công ty đã tiến hành đóng bãi, phủ đất và tiếp nhận, chôn lấp sang ô số 2 được khoảng trên 1.000 tấn thì xảy ra sự cố do thủng đáy bạt, thời điểm tháng 8/2008. Việc tiếp nhận, chôn lấp dừng từ đó đến nay theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội để chuyển sang Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ đốt tiêu hủy thay cho việc chôn lấp.
Về giai đoạn 2, đây là giai đoạn mở rộng diện tích để thực hiện Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ đốt tiêu hủy. Theo đó, ngày 19/6/2014, UBND thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện dự án đầu tư Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong, với công suất giai đoạn I là 240 tấn/ngày đêm tại xã Tân Tiến.
Theo báo cáo tiến độ của dự án, đến ngày 29/10/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Núi Thoong với diện tích đất là 83.138,9m2, giao UBND xã Tân Tiến quản lý diện tích 1.037m2 đất để cải tạo dòng chảy suối. Ngày 27/11/2015, UBND huyện Chương Mỹ cấp Giấy phép xây dựng số 484/GPXD cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai và được gia hạn ngày 26/10/2016.
Đến ngày 28/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ký Hợp đồng thuê đất số 163/HĐTĐ-STNMT-CCQLĐĐ với Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai. Hiện trạng sử dụng đất, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai đã xây dựng hàng rào thép gai bao quanh khu đất đã được giao. Trong quá trình triển khai dự án, từ năm 2015 đến nay, đã có một số công dân làm đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.
Các nội dung phản ánh chủ yếu về việc thu hồi đất của một số hộ gia đình để GPMB bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng; đơn thư về sự cố xảy ra thì toàn bộ nước rò rỉ nước thải sẽ chảy vào khu dân cư; vấn đề Núi Thoong là di tích cách mạng; về tư cách của chủ đầu tư… hầu hết các đơn thư và các câu hỏi của người dân đã được huyện và các ban, ngành trả lời thỏa đáng bằng văn bản và tại các hội nghị, đối thoại, tiếp dân…
Sau khi đi kiểm tra thực tế khu vực Núi Thoong và nghe các đại diện chính quyền các xã, sở, ngành thành phố đánh giá tình hình triển khai dự án, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng: Đây là dự án được TP quan tâm, từ quy hoạch đến lựa chọn tổ chức triển khai thực hiện. Về đất đai, trong quy hoạch, đến nay đã hoàn thành xong GPMB, diện tích bị lấn chiếm… Đây là một trong những địa điểm có nhiều thuận lợi hơn nhiều so với một số dự án khác. Vùng ảnh hưởng hiện tại và sau này vẫn ở mức kiểm soát được. Môi trường sống được đảm bảo. Huyện, xã làm tốt công tác tuyên truyền giải thích cho người dân về việc triển khai dự án và giải quyết các đơn thư về giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy: Việc xảy ra rò rỉ nước thải từ khu chôn lấp trước đây đã ảnh hường tác động tâm lý, đời sống người dân. Lấy dẫn chứng thực tế về việc chậm tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải và công nghệ chưa đảm bảo, Phó Bí thư cho rằng “Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội có nguồn lực, có công nghệ, có khoa học, nhưng đã là cơ hội, chắc chắn Hà Nội phải làm, phải đi đầu trong việc lựa chọn công nghệ tiên tiến. Sau này, Hà Nội sẽ có nhiều khu đô thị vệ tinh nên những nhà máy rác hoạt động trên địa bàn Hà Nội phải là nhà máy tiên tiến nhất”.
Ngoài ra, Phó Bí thư cũng yêu cầu các đơn vị cần tích cực lắng nghe các ý kiến đóng góp của người dân, giải quyết các vấn đề, các kiến nghị của người dân. Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị huyện rà soát việc chuẩn bị xây dựng nhà máy. Đặc biệt, thống kê khảo sát, nắm chắc chủ trương của TP về cơ chế chính sách, quy trình tác động của nhà máy khi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Về mặt đất đai, phải tổ chức quản lý chặt chẽ, tránh tái lấn chiếm, tránh phát sinh những khiếu kiện phức tạp khác.
Cần phải lên danh mục chuẩn bị phương án khi tiến hành. Phó Bí thư Thành ủy lưu ý: Đây là nhà máy rác điển hình, phải có cảnh quan đẹp, là một địa điểm sinh thái, Thành phố hy sinh đất làm nhà máy rác nên những gì trong dự án vành đai xanh, nếu có điều kiện thì cần làm trước. Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo để các ngành đôn đốc, đặc biệt là chủ đầu tư được giao phải có lộ trình xác định thời gian nhất định để hoàn thành.
Nguồn: Lao động Thủ đô