Nhà đầu tư trăn trở điều gì khi quyết định chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam?
Lao động của Việt Nam có đủ những kỹ năng mà doanh nghiệp cần hay không đang là trăn trở của nhà đầu tư nước ngoài trước khi quyết định chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Đó là chia sẻ của ông Michael Kelly -Chủ tịch AmCham liên quan đến vai trò của nguồn lao động chất lượng cao ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.
Theo đó, mặc dù, năng suất lao động là chìa khoá nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, chương trình Giáo dục ở Việt Nam chưa được cập nhật, giáo viên đang bị quá tải trong khi mức lương chưa tương xứng, sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng làm việc mà khu vực tư nhân kỳ vọng ở họ.
“Để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, Chính phủ cần tiếp tục hành động để hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống giáo dục quốc gia, nhất là ở cấp độ trường nghề và giáo dục đại học”, ông Michael Kelly khẳng định.
Hiện đại hóa giáo dục sẽ đảm bảo Việt Nam có một đội ngũ quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên sản xuất và xây dựng có chuyên môn cao, giúp nâng cao chuỗi giá trị khi nền kinh tế phát triển. Thêm vào đó, những công ty đang tìm hướng chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam đang xem xét kỹ càng liệu lực lượng lao động có những kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp của họ hay không?
Các sáng kiến phát triển lực lượng sản xuất, đặc biệt là hướng nghiệp sẽ góp phần cải thiện năng suất của người lao động, tuy nhiên, tính hiệu quả cũng phụ thuộc vào một yếu tố đầu vào quan trọng. Trong đó, có thể kể đến là chi phí lao động.
Cũng liên quan tới nội dung này, trước đó, chia sẻ với phóng viên, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Để đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, người lao động có tay nghề là trách nhiệm chung của nhà trường và các doanh nghiệp”.
Theo đó, các doanh nghiệp cần phải trở thành nhà đầu tư, người định hướng nền giáo dục, định hướng nghề và tham gia vào quá trình soạn thảo nội dung chương trình dạy nghề và tạo cơ sở để sinh viên học nghề có thể đến các doanh nghiệp để thực tập.
Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng trong việc cấp chứng chỉ, xác nhận trình độ nghề nghiệp của các học viên và là nơi giải quyết đầu ra cho lao động nghề nghiệp.
Như vậy, trong tất cả các khâu của hoạt động đào tạo nghề nghiệp đều có vai trò của doanh nghiệp. Đào tạo nghề nghiệp không chỉ có vai trò của Nhà nước, các trường đào tạo mà cũng chính là vai trò của doanh nghiệp.
“Chỉ khi nào chúng ta thúc đẩy được xã hội hoá mạnh mẽ lĩnh vực dạy nghề và thúc đẩy được sự tham gia của khu vực tư nhân với tư cách là chìa khoá của đất nước này. Thì lúc đó chúng ta mới có cơ hội cải thiện và nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng yêu cầu của các nền kinh tế trong thời gian tới”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Nguồn: enternews.vn