Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới Cần Thơ
Với nguồn lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến, Nhật Bản là một trong số các đối tác quan trọng đang được TP. Cần Thơ đặc biệt quan tâm, tăng cường hợp tác đầu tư.
Tăng cường hợp tác đầu tư với Nhật Bản
Trong vòng 5 tháng qua, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cùng nhiều cán bộ sở, ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn đã có hai chuyến công tác tới vùng Kansai (Nhật Bản) để xúc tiến các hoạt động hợp tác đầu tư và kết nối giao thương. Chuyến đi gần đây nhất là vào giữa tháng 10/2017, với điểm dừng là hai tỉnh Okayama và Wakayama.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ cho biết, ngoài các hoạt động giao lưu, làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương, tham quan nhà xưởng sản xuất của doanh nghiệp, đoàn công tác còn có hai cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư và kết nối thương mại tại hai tỉnh Okayama và tỉnh Wakayama với sự tham dự của khoảng 150 doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại các diễn đàn này, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ cũng cho hay, từ nay đến năm 2018, Cần Thơ dự kiến sẽ mở thêm các chuyến bay trong nước tới Hải Phòng, Nha Trang và các chuyến bay quốc tế tới Bangkok (Thái Lan), Singapore và đặc biệt mong muốn mở đường bay thẳng tới Kansai. Cạnh đó, các tiện ích cho nhà đầu tư như sân golf và bệnh viện quốc tế cũng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018 hay tuyến đường cao tốc TP. HCM - Cần Thơ sẽ hoàn tất vào năm 2021. Ngoài ra, Dự án trường Đại học quốc tế cũng đã có chủ trương đầu tư, chung cư cao cấp do Quỹ Đầu tư và Phát triển TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư đã sẵn sàng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong chuyến tới Nhật Bản vào tháng 10/2017, lãnh đạo TP. Cần Thơ và TP. Okayama (tỉnh Okayama) đã ký bản tuyên bố chung, cùng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và bản ghi nhớ với Hội hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam, tạo nền tảng cho việc phát triển quan hệ hợp tác đối ngoại nhân dân theo chiều sâu.
Trước đó, tại chuyến xúc tiến đầu tư và thương mại hồi cuối tháng 5/2017, TP. Cần Thơ và tỉnh Hyogo (Nhật Bản) đã ký Tuyên bố chung về hợp tác, qua đó hai địa phương nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, thúc đẩy đầu tư từ tỉnh Hyogo vào Cần Thơ, tăng cường hợp tác kinh tế thông qua thương mại, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực…
Trong thời gian qua, TP.Cần Thơ cũng đã đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo chính quyền địa phương và doanh nghiệp của Nhật Bản tới giao lưu, thúc đẩy quan hệ hợp tác và khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục – đào đạo, môi trường.
Tạo môi trường thuận lợi
Trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 6 dự án có vốn đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,05 triệu USD. Dù con số này còn khá khiêm tốn nhưng triển vọng thời gian tới sẽ có những đột phá trong thu hút nguồn vốn từ Nhật Bản bởi, trong con mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, Cần Thơ được xem là có nhiều tiềm năng.
Trong nỗ lực tăng cường công tác xúc tiến hợp tác và đầu tư với các đối tác Nhật Bản, Cần Thơ đã thành lập Văn phòng Japan Desk tại TP. Cần Thơ với vai trò kết nối với các hiệp hội, các tổ chức để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá hình ảnh của Cần Thơ đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản; hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Cần Thơ.
Ông Kyoshiro Ichikawa, chuyên gia cố vấn Japan Desk tại TP. Cần Thơ cho biết, với vị thế là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ, Cần Thơ hiện là đầu mối giao thương tốt nhất và cũng là nơi thích hợp nhất để đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp cơ khí, hạ tầng logistics cảng biển. Bên cạnh đó, Cần Thơ luôn có những chính sách cụ thể giúp cho việc xúc tiến đầu tư thực chất, do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm đầu tư.
Đến từ Công ty TNHH Brainworks Asia, ông Sasaki Noriyuki, Phó giám đốc cũng cho rằng, ở châu Á, Việt Nam là nơi mà các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm đầu tư. Trong vòng 3 năm qua, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ là nơi mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư nhiều nhất trên các lĩnh vực gồm giáo dục – đào tạo, chế biến nông sản – thực phẩm, nông nghiệp. “Đây là kết quả từ nỗ lực của lãnh đạo UBND và các sở, ngành TP. Cần Thơ, VCCI Cần Thơ trong việc tăng cường xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản trong thời gian qua”, ông Sasaki Noriyuki nói.
Đã đầu tư vào Cần Thơ hơn 10 năm qua với lĩnh vực găng tay thể thao xuất khẩu, ông Motoyuki Nakamura, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt (có nhà máy tại Khu công nghiệp Trà Nóc) cho hay, “chúng tôi được biết, Cần Thơ là nơi tập trung nguồn nhân lực lớn và có chất lượng ở đồng bằng sông Cửu Long nên đã quyết định đến đây để đầu tư. Ban đầu, các giấy tờ thủ tục khá phức tạp, nhưng cơ quan hữu trách luôn hướng dẫn chi tiết, giải đáp thắc mắc rất cụ thể nên vấn đề luôn được giải quyết suôn sẻ. Hiện, chúng tôi có kế hoạch mở thêm một xưởng sản xuất nữa ở Cần Thơ”.
TP. Cần Thơ đã giao Quỹ Đầu tư và Phát triển TP. Cần Thơ xúc tiến đầu tư khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Lê Văn Thống, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP. Cần Thơ cho biết, Dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và hệ thống nhà xưởng tại khu công nghiệp Ô Môn (phường Phước Thới, quận Ô Môn) có quy 256 ha, trong đó giai đoạn I là 134 ha gồm các nhà máy sản xuất công nghiệp sạch, khu triển lãm, trưng bày, kho bãi; khu đô thị – tái định cư kết hợp với khu công nghiệp có thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.
Đây cũng được xem là Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, nhà xưởng hiện đại kết hợp với đầu tư khu dân cư tạo tính liên kết toàn khu đảm bảo tính đồng bộ với tiêu chuẩn xanh, đáp ứng nhu cầu thuê đất, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.
CÁC DỰ ÁN MỜI GỌI ĐẦU TƯ
1. DỰ ÁN KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO CẦN THƠ
– Vị trí: xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ
– Diện tích: 244,17 ha
– Vốn đầu tư dự kiến: 26 triệu USD
– Thời gian dự án: không quá 50 năm
– Mục tiêu: Tập hợp và xây dựng mạng lưới vệ tinh cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông – thủy sản chủ lực, kết hợp với ngành du lịch tạo các điểm và tour tham quan sinh vật cảnh, du lịch sinh thái, giới thiệu các mặt hàng nông – thủy sản chất lượng cao của Khu nông nghiệp công nghệ cao.
2. DỰ ÁN KHU CÔNG NGHIỆP DÀNH CHO DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN
– Vị trí: phường Phước Thới, quận Ô Môn. Cách trung tâm TP. Cần Thơ 15 km về phía Bắc; cách sân bay quốc tế Cần Thơ 08 km; cách cụm cảng Cái Cui – Tân Cảng 26 km.
– Mục tiêu: kêu gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ.
– Thời hạn dự án: không quá 50 năm.
3. DỰ ÁN KHU CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẬP TRUNG
– Vị trí: phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.
– Diện tích: 20 ha.
– Tổng vốn đầu tư: 8,89 triệu USD
– Thời hạn dự án: 50 năm
– Mục tiêu: xây dựng trung tâm cung cấp hạ tầng, nhân lực dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ sự phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của Cần Thơ và ĐBSCL; trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm và chuyển giao công nghệ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin.
4. DỰ ÁN TRUNG TÂM LOGISTIC HẠNG II Ở CẦN THƠ
– Vị trí: Cảng Cái Cui – Khu công nghiệp Hưng Phú (1B), phường Tân Phú, quận Cái Răng.
– Diện tích: 242,2ha, trong đó: giai đoạn 1: 168,2 ha; giai đoạn 2: 74 ha
– Tình trạng đất: đã đền bù giải phóng một phần mặt bằng.
– Thời hạn dự án: tối đa 50 năm.
– Mục tiêu dự án: khai thác có hiệu quả thị trường logistics của TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Nguồn: Báo Đầu tư Online