Nguy cơ quá tải do đầu tư ồ ạt dự án điện gió

Mới đây, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung 74 dự án điện gió với 6.400 MW. Tuy nhiên, giới chuyên môn lo ngại, việc bổ sung ồ ạt dự án điện gió có thể khiến hệ thống truyền tải sẽ quá tải như với điện mặt trời.

Cụ thể, theo đề nghị tại Công văn 720 từ phía Bộ Công Thương, tổng công suất điện gió đã có và có thể được bổ sung thêm vào quy hoạch điện hiện hành đã lên 18.200 MW. Trong đó, bao gồm cả 4.800 MW điện gió đã có và 7.000 MW điện gió vừa được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện từ tháng 6/2020.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua, nhiều địa phương đã đề nghị muốn làm điện gió với tổng công suất lên tới gần 50.000 MW. Tuy nhiên, trước đó, từ tháng 6/2020, ngay khi Bộ Công thương đề nghị bổ sung thêm 7.000 MW điện gió, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tính toán cho thấy hệ thống truyền tải điện đang gặp khó khăn.

Trên thực tế, hiện tượng hệ thống truyền tải gặp khó ngay khi khi đáp ứng nhu cầu truyền tải của các dự án điện gió (4.800 MW) và mặt trời (8.935 MW) đã được bổ sung vào quy hoạch.

Với kết cấu lưới điện theo Quy hoạch 7 điều chỉnh, đến năm 2025 cơ bản có thể đáp ứng giải tỏa. Tuy nhiên, theo tính toán từ phía EVN, tình trạng quá tải cục bộ sẽ xuất hiện tại một số khu vực trong trường hợp toàn bộ các dự án được đưa vào vận hành trong giai đoạn 4 năm tới.

Trong đó, tình trạng nói trên sẽ tập trung chủ yếu khu vực Nam Trung bộ, tương ứng khoảng 20 – 35% tổng công suất lắp đặt không giải tỏa được.

Theo nhận định của ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, thực chất, hoạt động đầu tư cho điện gió là khá khó khăn. Bằng chứng là việc, 10 năm qua, cả nước chỉ làm được 400MW điện gió.

Ông Tiến cho hay, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng trên là do tất cả các thiết bị xây dựng, lắp đặt cho điện gió đòi hỏi thiết bị siêu trường, siêu trọng, phải có những xe đặc chủng, cẩu đặc chủng.

Do đó, tại Việt Nam yêu cầu này rất khó thực thi, đặc biệt là với những dự án phát triển điện gió Nearshore (điện gió ven biển), Offshore (điện gió ngoài khơi)… đang dần được thực hiện thời gian vừa qua.

Ngoài ra, toàn bộ thiết bị, công nghệ về tua bin gió Việt Nam bị phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Cùng với đó, Chính phủ đã cắt giảm ưu đãi về giá điện gió đến cuối năm 2021.

Cụ thể, mức giá điện trong đất liền là 8,5 Uscents/kWh và điện gió trên biển là 9,8 Uscents/kWh. Điều này khiến nhà đầu tư trong nước vào thế khó khi liên tục bị nhà cung cấp nước ngoài bắt chẹt về thời gian, giá bán.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình, Ủy viên Ban Cố vấn Hiệp hội Năng lượng xanh bổ sung thêm, nếu đưa vào lượng công suất điện gió quá lớn mà mạng lưới truyền tải không giải tỏa hết có thể gây thiệt hại lớn với nhà đầu tư và cả xã hội.

Nguyên nhân là do, các dự án điện gió cần đầu tư lớn, từ 1,6 – 2 triệu USD/MW, cao gần gấp đôi đầu tư điện mặt trời và rủi ro của các dự án điện gió cũng cao hơn nhiều so với các nguồn đầu tư năng lượng khác.

“Nếu Việt Nam trải thảm đỏ mời gọi đầu tư điện gió, sẽ có nhiều dự án điện cực lớn trị giá hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, mọi quy hoạch phải được tính toán thật chặt chẽ và khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn nhất về điện gió”, ông Bình chia sẻ.

Nguồn baogialai.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo