Nghiên cứu trộn bê tông bằng cát mặn và nước mặn

Các nhà chuyên môn cho rằng khi cát nước ngọt trở nên khan hiếm thì vẫn có lối thoát cho ngành xây dựng. Trên thực tế đã có một số hướng nghiên cứu khoa học “chia lửa” với áp lực khai thác nguồn cát này.

TS. Nguyễn Hồng Bỉnh (Hội khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM), khẳng định có thể trộn bê tông từ cát biển và nước biển mà không phụ thuộc hoàn toàn vào cát nước ngọt như cách sử dụng truyền thống lâu nay.

Theo thường thức khoa học, nếu sử dụng cát mặn và nước mặn để phối trộn bê tông thì bê tông không đông kết, bám dính với nhau được. Đây là thực tế, nhưng TS. Bỉnh khẳng định đã nghiên cứu được một hỗn hợp chất lỏng, gọi là phụ gia, có thể hóa giải được thực tế này.

Khi cho chúng vào bê tông được phối trộn từ nguồn cát mặn và nước mặn thì mẻ bê tông đó vẫn đông kết bình thường. Hiện nhóm nghiên cứu đang nắm giữ điều mấu chốt này.

Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt để TS. Nguyễn Hồng Bỉnh trở thành chủ bằng độc quyền sáng chế số 12251 mang tên “vật liệu xây dựng sản xuất được từ nguyên liệu tại vùng nhiễm mặn”, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp tháng 1/2014, sau 11 năm kể từ ngày ông nộp đơn.

Tuy nhiên, còn điều lo lắng khác, bê tông thường dùng để bao bọc, bảo vệ cốt thép, mà trong nó có chứa cát mặn, nước mặn, rồi theo năm tháng, cốt thép bị ăn mòn thì sao?

Điều này không phải là chuyện đùa, liên quan đến an toàn và tính mạng con người trong quá trình sử dụng công trình rất lâu dài, đặc biệt là liên quan đến các hạng mục chịu lực trong xây dựng.

TS Bỉnh nói về phương diện này, nhóm nghiên cứu cũng đã kiểm chứng sản phẩm trên thực tế và bộ số liệu khoa học cũng thu được từ quá trình thực nghiệm. Song, đây là những gì công bố từ phía nhóm nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu đồng tình để có thể tạo được sự tin cậy khoa học, cần có những đánh giá, kiểm chứng khách quan, độc lập và kể cả những phản biện cần lắng nghe.


Ảnh minh họa.

Đánh giá về nghiên cứu sử dụng nước mặn và cát mặn để trộn bê tông đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho rằng, đây là một nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao. Việc nghiên cứu sử dụng phụ gia dùng cho cát biển, nước biển bước đầu đã thành công với sản xuất bê tông không cốt thép. Việc này sẽ mở ra hướng mới sử dụng cát nhiễm mặn cho các công trình ở biển, đảo tại Việt Nam.

Việc nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn này cũng đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu từ lâu, chưa có kết quả nào khẳng định được có thể sử dụng cát nhiễm mặn thay thế cát xây dựng nước ngọt dùng cho bê tông, xây tô trát.

Công trình thử nghiệm xây dựng một đoạn đê chắn sóng vào 2004 của TS Bỉnh cho thấy khả năng ứng dụng vào thực tiễn của nghiên cứu này trong việc sản xuất ra các khối bê tông làm đê chắn sóng chống xói lở bằng vật liệu tại chỗ (cát biển) và chất phụ gia.

Riêng việc sử dụng kết quả nghiên cứu này vào việc thay thế cát nước ngọt để giảm áp lực khan hiếm nguồn cát hiện nay cần được nghiên cứu thêm.

Nguồn: Báo Vật liệu Xây dựng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo