Nghiên cứu nâng cấp Cảng Hàng không Đồng Hới thành sân bay quốc tế
Việc nghiên cứu phát triển, nâng cấp Cảng Hàng không Đồng Hới thành sân bay quốc tế giúp tạo điều kiện phát triển du lịch Quảng Bình nói riêng cũng như toàn ngành du lịch Việt Nam nói chung.
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư 2018 vừa diễn ra tại Đồng Hới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đà tăng trưởng du lịch ấn tượng của Quảng Bình với gần 3,5 triệu khách năm 2017, tăng đến trên 71%; trong đó, riêng khách quốc tế tăng 110% so với cùng kỳ.
Nếu hạ tầng và phát triển ví như “con gà” với “quả trứng” thì ở một nơi có nhiều “tiên cảnh” như Quảng Bình phải gọi là “con gà đẻ trứng vàng”. Do đó, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông – Vận tải nghiên cứu phát triển và nâng cấp Cảng Hàng không Đồng Hới trở thành sân bay quốc tế, nhằm đáp ứng điều kiện cho phép người nước ngoài xuất nhập cảnh bằng thị thực điện tử.
“Đây không chỉ là điều kiện cho sự phát triển của Quảng Bình mà là sự phát triển cho toàn ngành du lịch. Nếu chúng ta chậm một ngày, thì Quảng Bình và ngành du lịch Việt Nam đang lỡ đi một ngày cơ hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, trong buổi làm việc trước thềm Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải xây dựng nhà ga mới trong năm 2018 để đến năm 2020 đưa nhà ga mới đi vào hoạt động nhằm nâng cao khả năng khai thác và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách của Cảng Hàng không Đồng Hới.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, công suất thiết kế dự kiến của Cảng Hàng không này đến năm 2020 là 2 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 là 3 triệu hành khách/năm, theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Với vị trí chiến lược tại Bắc Trung Bộ, sân bay Đồng Hới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Quảng Bình tham gia kết nối các di sản thế giới ở miền Trung, đồng thời là điểm trung chuyển thuận tiện cho nhiều trục bay khắp cả nước và quốc tế tới Việt Nam.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, sân bay chỉ có công suất thiết kế đạt 500.000 lượt khách/năm. Năm 2017, lưu lượng hành khách thông qua sân bay đã gần 470.000 lượt. Dự kiến năm 2018, sân bay Đồng Hới đón khoảng 700.000 lượt hành khách.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp du lịch – lữ hành, các hãng hàng không hiện tại chỉ đang cung cấp vài chuyến bay từ TP.HCM và Hà Nội vào Đồng Hới mỗi ngày. Tình trạng lỡ chuyến, thiếu vé thường xuyên xảy ra.
Quá ít chuyến bay tới Đồng Hới khiến du lịch tại đây không thể phát triển nhanh, ở chiều ngược lại, sân bay Đồng Hới cũng khó lòng đáp ứng được thêm khi công suất sử dụng đã tương đương và sẽ vượt công suất thiết kế như các số liệu đã chỉ ra.
Trong bối cảnh này, việc nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế sẽ không chỉ tạo đà tăng trưởng cho một trong những thị trường du lịch tiềm năng nhất Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng miền, từ đó thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để Quảng Bình bứt phá.
Mục tiêu này sẽ càng được đẩy mạnh với sự gia nhập của những “con sếu lớn trên bầu trời Quảng Bình”, như Tập đoàn FLC, Hòa Phát…
Tính riêng trong lĩnh vực hạ tầng du lịch, Tập đoàn FLC đang gây chú ý với quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình theo công bố có quy mô gần 2.000 ha riêng trong giai đoạn 1. Dự án bao gồm hệ thống các khách sạn, resort cao cấp được quản lý bởi các thương hiệu hàng đầu thế giới; chuỗi sân golf được quy hoạch liên hoàn lớn nhất Đông Nam Á; dự án khu vui chơi giải trí; khu vườn thú đêm quy mô cùng hàng loạt tiện ích cao cấp khác…
Theo lãnh đạo Tập đoàn FLC, dự án này cùng với hãng hàng không Bamboo Airways dự kiến cất cánh trong tháng 10 năm nay, sẽ góp phần thúc đẩy đà phát triển du lịch của Quảng Bình, cũng như tăng cường kết nối, thông thương của tỉnh nhà trên trục hành lang phát triển kinh tế Đông – Tây, trên thị trường khu vực và thế giới.
6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế-xã hội của Quảng Bình chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,29% (kế hoạch cả năm tăng 7%). Du lịch tăng mạnh với lượng khách đạt 1,83 triệu lượt, tăng 16,3% so cùng kỳ.
Thu hút đầu tư cũng khởi sắc với 66 dự án có tổng vốn hơn 7 tỷ USD vừa được Quảng Bình trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư, trong đó riêng các dự án của Tập đoàn FLC đang dẫn đầu với số vốn cam kết khoảng 63.000 tỷ đồng.
Nguồn: baodautu.vn