Nghị định 25/2020/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư: Nhiều vướng mắc lớn sẽ được tháo gỡ
Theo yêu cầu thực tiễn và khung pháp lý hiện hành có liên quan, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (NĐ 25) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã được ban hành thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP (NĐ 30).
Ra đời trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai; các dự án PPP chưa rõ về quy trình đấu thầu, NĐ 25 có nhiều điểm mới tháo gỡ.
Một là, phân định trường hợp đấu thầu và đấu giá. NĐ 25 phân định giữa trường hợp đấu thầu (áp dụng đối với đất chưa giải phóng mặt bằng) và đấu giá thông qua điều kiện xác định danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất là “không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”. Với quy định này, các địa phương tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu giá trước; trường hợp không đủ điều kiện đấu giá thì việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện thông qua đấu thầu.
Hai là, phân định trường hợp đấu thầu và quyết định chủ trương đầu tư. NĐ 25 quy định việc lồng ghép công bố thông tin dự án đầu tư có sử dụng đất với quy trình đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Căn cứ số lượng nhà đầu tư quan tâm và đáp ứng yêu cầu sơ bộ, xác định tổ chức đấu thầu rộng rãi (trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu) hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan (trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu). Ngoài ra, quy định này cũng gỡ vướng cho các địa phương khi trả lời câu hỏi “xác định giá trị thương mại cao của khu đất, quỹ đất” để tổ chức đấu thầu theo NĐ 30 trước đây.
Ba là, khẳng định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu. Theo quy định của NĐ 25, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư “áp dụng theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại Khoản 3 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có)”. Quy định này đã tháo gỡ vướng mắc về quan điểm pháp luật về đất đai cho rằng chưa có quy định về giao đất, cho thuê đất trong trường hợp đấu thầu nên “trì hoãn” việc giao đất cho nhà đầu tư dẫn đến nhiều dự án bị đình trệ.
Bốn là, xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước trên cơ sở giá trị tăng bình quân sau trúng đấu giá. Để khắc phục vướng mắc trước đây về xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước, NĐ 25 đã quy định cụ thể nội dung này. Theo đó, việc xác định giá sàn trên cơ sở: (i) diện tích phần đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của khu đất, quỹ đất dự kiến giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án; (ii) Giá trị tăng bình quân sau trúng đấu giá quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích của các khu đất, quỹ đất có cùng mục đích sử dụng đất trong phạm vi địa phương hoặc khu vực có khu đất, quỹ đất thực hiện dự án; (iii) hệ số điều chỉnh giá trị tăng bình quân sau trúng đấu giá của các khu đất, quỹ đất có tính đến yếu tố tương đồng với khu đất, quỹ đất thực hiện dự án và các yếu tố cần thiết khác (nếu có).
Giá trị này mang tính chất tương đối để nhà đầu tư đề xuất giá trị nộp ngân sách của mình và phải phản ánh bản chất lợi thế của khu đất (như một giá trị thương quyền để được đầu tư dự án trên khu đất đó).
Năm là, đồng bộ hóa quy trình thực hiện dự án PPP. Để thống nhất với quy trình thực hiện dự án PPP được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, NĐ 25 bổ sung quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao (đấu thầu trên cơ sở quyết định chủ trương đầu tư), đối với dự án BT (đấu thầu trên cơ sở thiết kế, dự toán được duyệt). Đồng thời, NĐ 25 cũng đơn giản thủ tục khi bỏ bước đàm phán sơ bộ hợp đồng, ký kết thỏa thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Sáu là, xử lý khoảng trống về lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa. Bên cạnh dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất, NĐ 25 mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các dự án tư nhân trong lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa (y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường…) hoặc theo pháp luật chuyên ngành (quảng cáo, đua ngựa, đua chó…) khi các pháp luật này chưa đề cập đến quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Nghị định đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án này.
Bảy là, nâng hạn mức phải áp dụng sơ tuyển và đấu thầu rộng rãi quốc tế. Nhằm đảm bảo công tác lựa chọn nhà đầu tư được hiệu quả, NĐ 25 quy định áp dụng sơ tuyển, đấu thầu rộng rãi quốc tế chỉ đối với dự án PPP từ nhóm A trở lên hoặc dự án đầu tư có sử dụng đất có sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án từ 800 tỷ đồng trở lên thay vì áp dụng đối với dự án PPP nhóm B trở lên và dự án đầu tư có sử dụng đất có sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án từ 120 tỷ đồng trở lên được quy định tại NĐ 30.
Tám là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động điều chỉnh thời gian trong đấu thầu. Để thuận lợi hóa môi trường đầu tư, NĐ 25 sửa đổi theo hướng “chỉ quy định mốc thời gian tối thiểu” cho nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Đối với các thời hạn khác trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền chủ động phê duyệt và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng các hoạt động trong lựa chọn nhà đầu tư. Quy định này tạo sự linh hoạt cho phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ động rút ngắn thời gian trong đấu thầu.
Chín là, tăng cường sự minh bạch về thông tin trong đấu thầu. Bên cạnh việc yêu cầu công khai thông tin hợp đồng dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, NĐ 25 bổ sung quy định về việc nộp hồ sơ dự sơ tuyển (đối với dự án PPP) và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Ngoài các nội dung gỡ vướng lớn nêu trên, NĐ 25 đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; số lượng nhà đầu tư tham gia trong liên danh; tiêu chuẩn và phương pháp lựa chọn nhà đầu tư dự án BT và dự án đầu tư có sử dụng đất.
Theo Báo Đấu thầu