Nghệ An đầu tư hơn 200 tỷ đồng tạo đà cho dịch vụ logistics cảng biển
Để nâng cao hệ thống vận tải từ cảng biển với các trục giao thông trọng điểm, Nghệ An đã chấp thuận chủ trương cho xây mới tuyến đường, cầu nối QL46 đi cảng Cửa Lò. Đây được xem như kỳ vọng để Nghệ An phát huy tiềm năng, vị thế, tạo đà cho dịch vụ logistics phát triển trong tương lai gần.
Nghệ An bố trí hơn 200 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường giao thông nối QL46 với bến cảng số 5, 6 cảng Cửa Lò |
Dự án đường giao thông từ QL 46 nối bến cảng số 5, số 6 Cảng Cửa Lò thuộc dự án nhóm B với tổng kinh phí dự kiến khoảng 205 tỷ đồng. UBND tỉnh Nghệ An đã bố trí nguồ vốn và giao cho UBND thị xã Cửa Lò làm chủ đầu tư, trực tiếp triển khai các thủ tục pháp lý liên quan.
Theo đó, để lập hồ sơ báo cáo khảo sát, báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đường giao thông từ QL 46 nối bến cảng số 5, số 6 Cảng Cửa Lò, vào ngày 01/9/2021, ông Doãn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò đã ký quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu cho dự án.
Đây là bước để UBND thị xã làm cơ sở để lựa chọn đơn vị đủ năng lực, điều kiện, kinh nghiệm đáp ứng đảm nhiệm thực hiện công đoạn hoàn chỉnh kết quả báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án nói trên.
Đến ngày 11/10/2021 vừa qua, Liên danh Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình 9 – Công ty TNHH ĐT và PT MT Nông Công nghiệp Rạng Đông sau khi bỏ thầu giảm hơn 2 triệu đồng so với giá dự thầu đã trở thành đơn vị được UBND thị xã Cửa Lò lựa chọn, giao trách nhiệm khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu kết quả khả thi cho dự án đường giao thông từ QL46 nối bến cảng số 5, 6. Cả 2 doanh nghiệp liên danh này đều có địa chỉ trụ sở đăng ký hoạt động tại Nghệ An.
Nguồn kinh phí thực hiện cho gói thầu gần 1,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện phần công việc này trong vòng 28 ngày kể từ khi ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Trước đó vào ngày 13/8/2021, ông Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 36 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ QL46 đến bến số 5, bến số 6 Cảng Cửa Lò.
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông liên vùng kết nối QL46 với đường Bình Minh hình thành vành đai giao thông mới cho thị xã Cửa Lò.
Quy mô đầu tư gồm tuyến 1 và tuyến 2 dài 965m theo tiêu chuẩn đường đô thị TCXDVN 104:2007 với chiều rộng nền đường 18m, bề rộng mặt đường bê tông nhựa 14m. Riêng phần cầu (tổng chiều dài 175m) được thiết kế vĩnh cửu, tải trọng thiết kế HL93, phần cống và công trình khác thiết kế tải trọng H30-XB80.
Kinh phí để thực hiện toàn bộ dự án được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ Ngân sách tỉnh 170 tỷ đồng, ngân sách thị xã Cửa Lò 35 tỷ đồng.
Nhà đầu tư kỳ vọng, nếu dự án sớm đi vào hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo bước đệm ý nghĩa cho việc tận dụng tiềm năng, vị thế của Nghệ An trong phát triển dịch vụ logistics. Nhưng, để làm được điều đó thì vấn đề hoàn thiện hạ tầng đường bộ, hệ thống luồng lạch cảng biển Cửa Lò đáp ứng tàu hàng tải trọng lớn cũng cần được thực hiện song song.
Theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị (ngày 30/7/2013) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thì cảng Cửa Lò được quy hoạch thành cảng đầu mối quốc gia loại I nhưng đến nay mục tiêu này vẫn đang loay hoay thực hiện.
Tháng 3/2021, Nghệ An đã phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đồng ý kêu gọi nhà đầu tư tư nhân đầu tư khu bến cảng Cửa Lò. Trong đó, vấn đề nạo vét luồng khu bến Nam Cửa Lò và đê chắn sóng phải được triển khai song song với các hạng mục hạ tầng khác.
Hạ tầng bến cảng Cửa Lò (Nghệ An) còn nhiều hạn chế |
Cụ thể, vướng mắc hiện hữu lâu nay cảng Cửa Lò đang gặp phải do hệ thống luồng lạch chưa được khơi thông, nạo vét đảm bảo độ sâu từ -8 đến -9m nên tàu vận tải hàng lớn trên dưới 30.000 DWT không thể ra, vào. Vì vậy, với tàu khoảng trên dưới 10.000 DWT vào, ra thì công suất vận tải hàng hoá chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Kéo theo đó, dịch vụ logistics cũng bị mắc cạn.
Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về tình hình thực hiện Quy hoạch cảng biển Nghệ An vào ngày 12/3/2021, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, các đại biểu cho rằng việc đầu tư hạ tầng bến cảng tại khu vực Nghệ An còn nhiều hạn chế, khả năng thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam nói chung và quy hoạch cảng biển nói riêng chưa cao.
Mặt khác, do hạ tầng kỹ thuật đường bộ, hệ thống luồng lạch chưa phát triển tương xứng nên sau khi bến cảng số 5, số 6 đã được hoàn thiện giai đoạn 1 đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng chưa thể phát huy hết công suất.
Nguồn: nghean24h.vn