Nghệ An thu hút hơn 13.000 tỷ đồng vốn đầu tư
Các dự án được cấp phép cho Tập đoàn Hemaraj, Masan, FLC, T&T, Mường Thanh… dự kiến lần lượt được khởi công trong ba quý tới.
Tỉnh Nghệ An sáng nay trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án và ký kết 16 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 13.152 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV và Ngân hàng SHB cũng trao 3 thỏa thuận cung cấp tín dụng với lượng vốn thu xếp tài trợ cho vay dự kiến là 800 tỷ đồng.
Các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư do UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng BIDV tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và gần 900 đại biểu là chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết, các giấy chứng nhận đầu tư được trao cho Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan), Tập đoàn Masan, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Mường Thanh… và các dự án sẽ lần lượt được khởi công trong ba quý tới.
Ngay trong chiều 10/3/2018 đã diễn ra lễ khởi công Khu công nghiệp WHA Hemaraj – Nghệ An. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư để phát triển giai đoạn 1 với tổng diện tích 498 ha, sáu giai đoạn tiếp theo sẽ được triển khai đến năm 2028 bao gồm tổng diện tích 3.200ha.
Tập đoàn FLC đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại thị xã Cửa Lò; dự án nông nghiệp công nghệ cao và dự án khai thác đá tự nhiên tại huyện Tân Kỳ, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng
Ông Đường cho biết, qua 9 lần tổ chức hội nghị, từ năm 2009 đến nay, Nghệ An đã thu hút được 980 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 276 nghìn tỷ đồng, trong đó: 927 dự án đầu tư trong nước, với hơn 112 nghìn tỷ đồng; và 53 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với hơn 163 nghìn tỷ đồng.
Nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH – True milk; các nhà máy bia: Sài Gòn – Sông Lam, Hà Nội – Nghệ An; Bao bì Sabeco; Thủy điện Bản Vẽ; Thủy điện Hủa Na; Nhà máy gỗ MDF; 2 Nhà máy Tôn Hoa Sen; Nhà máy xi măng Sông Lam 1, Sông Lam 2 của Tập đoàn Xi măng Vissai; Trung tâm thực phẩm Masan Miền Bắc.
Nghệ An cũng thu hút được chuỗi hơn 10 khách sạn, trung tâm hội nghị trên địa bàn tỉnh của Tập đoàn Mường Thanh; Tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí và biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội của Tập đoàn Vingroup, nhiều dự án bất động sản, nhà cao tầng,
Chỉ tính năm 2017, toàn tỉnh đã cấp mới 176 dự án, với tổng vốn đầu tư 14.561 tỷ đồng.
Ông Đường cam kết tỉnh sẽ cắt giảm từ 30% – 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư trong nước và đầu tư có vốn nước ngoài so với mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 43 của Chính phủ.
Ông Đường cho biết, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như hạ tầng đô thị, sân bay, cảng biển, điện, nước và hệ thống giao thông kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, kết nối một cách đồng bộ.
Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã làm việc với ngành hàng không để mở rộng và nâng cấp xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vinh vì đã bắt đầu đầy tải, vào giờ cao điểm đã quá tải, không đáp ứng được các đường bay quốc tế.
Cảng hàng không quốc tế Vinh hiện đáp ứng 1.000 khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm; có 7 đường bay với khoảng 34 chuyến đi – đến/ngày. Trong năm 2017, hành khách đạt hơn 1,8 triệu lượt, có 2 đường bay quốc tế đi Lào và Thái Lan.
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết cố gắng đến cuối năm nay sẽ tiến hành khởi công mở rộng. Trước mắt, nhà ga sẽ tăng thêm 2 ống lồng, mở thêm đường băng hướng tới đáp ứng nhu cầu đón 3 – 4 triệu lượt khách/năm.
Nguồn: The Leader