Ngành điện cần 8-12 tỷ USD vốn đầu tư mới mỗi năm

Ngành điện cần 8-12 tỷ USD vốn đầu tư mới mỗi năm

Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước đây.

nganh-dien-can-8-12-ty-usd-von-dau-tu-moi-moi-nam1595386696

Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 đã khai màn từ 8h sáng nay (22/7) tại Hà Nội với sự tham gia đông đảo của lãnh đạo cấp cao đến từ các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương, cũng như các chuyên gia đầu ngành năng lượng trong nước và quốc tế.

Phiên toàn thể tại Diễn đàn tập trung vào triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Mở đầu Phiên toàn thể tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, năng lượng là ngành giữ vai trò trọng yếu và tiên phong, quyết định tăng trưởng kinh tế mỗi quốc gia. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển năng lượng và trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Những năm qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, mục tiêu đảm bảo nguồn cung điện còn nhiều thách thức, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.

“Phải xác định rõ nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, kiến nghị đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện phát triển ngành năng lượng. Kiến nghị những khó khăn vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, kể cả các dự án truyền tải điện”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Theo đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, năng lượng đã trở thành ngành kinh tế quy mô lớn. Thông qua Diễn đàn, những chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển năng lượng sẽ được quán triệt, hút dòng vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án nhằm tăng nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế.

“Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để triển khai Nghị quyết 55, trước hết là hoàn thiện thể chế, kiểm soát quá trình phát triển. Riêng về huy động nguồn lực cho năng lượng đến 2025, Việt Nam cần 7 – 10 tỷ USD cho các dự án mới, đầu tư mạnh cho nguồn điện và truyền tải…”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay.

Báo cáo “Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng” do Ngân hàng Thế giới thực hiện đã chỉ ra, trong ngành năng lượng, nhu cầu tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030. Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030.

Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030, điều này đặt ra rất nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.

Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn trước đây, tập trung vào đầu kỳ, với sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo