Năm 2024 sẽ khởi công “siêu cảng” Cần Giờ 5,5 tỉ USD đủ sức cạnh tranh với Singapore
Nhà đầu tư lên kế hoạch triển khai dự án siêu cảng Cần Giờ 5,5 tỉ USD thành 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dự kiến sẽ vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027.
UBND TP.HCM mới đây đã tổ chức Hội thảo “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”.
Đủ sức cạnh tranh với Singapore
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (Portcoast) khẳng định cảng Cần Giờ có tiềm năng rất lớn để cạnh tranh với các hub trung chuyển trong khu vực như Singapore hay Malaysia.
Gần 60% khối lượng vận tải container toàn cầu qua biển Đông. Các cảng khu vực Đông Nam Á sẽ chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82 – 88 triệu teu vào 2025. Công suất các cảng trung chuyển quốc tế Đông Nam Á hiện đạt gần 53,6 triệu teu. Như vậy, các cảng mới sẽ còn cơ hội “hứng” 28,4 – 34,4 triệu teu hàng trung chuyển.
Cần Giờ có vị trí cận kề các khu vực yêu cầu vận tải biển như Thái Lan, Phnom Penh so với Singapore ước tính tiết kiệm cho các hãng tàu khoảng 1/4 chi phí nhiên liệu, tương đương với 13,2 triệu USD/năm nếu sử dụng Cần Giờ để trung chuyển thay cho cảng Singapore. Bên cạnh đó, các chi phí về bốc xếp, trung chuyển của khu vực Cần Giờ cũng rẻ hơn 50-60% so với Singapore. Đây là những lợi thế cạnh tranh rất lớn của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phương án quy hoạch để đảm bảo bảo vệ sinh quyển địa phương
Theo đề xuất của ông Tuấn, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được sẽ đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Cù lao này có hơn 93 ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82 ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu.
Giải đáp thắc mắc về việc hạn chế ảnh hưởng của dự án tới sinh quyền khu vực Cần Giờ, đại diện Portcoast cho biết cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nằm trong vùng chuyển tiếp trên 2 cù lao cách vùng lõi khu dự trữ bằng sông Thêu rộng khoảng 1 km2. Khu vực này khá biệt lập, không ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Trong quy chế, khu vực chuyển tiếp vẫn được phép xây dựng ở mức độ phù hợp.
Bên cạnh đó, với tính chất cảng trung chuyển container, phương thức được sử dụng chủ yếu là vận tải bằng đường biển, không cần đầu tư quá nhiều về hạ tầng đường bộ kết nối. Dự kiến từ nay đến năm 2030, mọi hoạt động giao thông kết nối đều sử dụng đường thủy. Sau năm 2030, các tuyến đường bộ kết nối thực hiện theo quy hoạch của TP.HCM, đề xuất làm đường trên cao kết nối với đường Rừng Sác để giảm tối đa tác động đến môi trường.
Về phương thức vận hành, nhà đầu tư cam kết áp dụng công nghệ theo mô hình cảng xanh nhằm giảm khí thải, chất thải và có phương án sử dụng, khai thác hợp lý, phòng ngừa các sự cố môi trường. Đối với diện tích gần 83 ha rừng bị ảnh hưởng, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện trồng rừng thay thế.
Nguồn: cafeland