Mường Khương: Hai nhà máy chế biến nông sản sẵn sàng hoạt động
Đầu tháng 4 năm nay, chủ đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn huyện Mường Khương (Nhà máy chế biến chè của Hợp tác xã chè Mường Khương và Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu) sẽ chính thức đưa 2 nhà máy đi vào hoạt động. Đây có thể coi là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện Mường Khương.
Cũng như nhiều gia đình khác trên địa bàn xã, gia đình ông Trần Huy Thướng, thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai sống chủ yếu dựa vào cây chè. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện chỉ có 1 đơn vị thu mua nên có thời điểm nhà máy tiêu thụ không hết sản lượng chè thu hái và giá sản phẩm xuống thấp khiến ông lo lắng. Việc có thêm 1 nhà máy chè đi vào hoạt động sẽ giúp ông và các gia đình khác yên tâm hơn, không lo thương lái ép giá. Ông Thướng cho biết: Hầu hết các hộ ở thôn Giáp Cư sống dựa vào cây chè nên canh cánh lo về giá bán. Năm được giá thì không sao, năm nào giá thấp thì mọi sinh hoạt của gia đình, việc học hành của con cái đều bị ảnh hưởng. Sắp tới có thêm nhà máy chế biến chè, tôi rất yên tâm và phấn khởi.
Tại xã Bản Lầu, mùa thu hoạch dứa năm nay nông dân cũng khấp khởi mừng vì dù không còn đối tác bên kia biên giới nhưng toàn bộ dứa thu hoạch được các thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua hết. Trong đó, sản lượng lớn được chuyển về nhà máy chế biến hoa quả tại tỉnh Ninh Bình và chủ đầu tư nhà máy này cũng chính là doanh nghiệp đang đầu tư nhà máy chế biến rau quả tại xã Lùng Vai. Anh Thào Thắng, người dân thôn Cốc Phương (xã Bản Lầu) cho biết, để đi trước đón đầu, nhiều hộ trong thôn đã chuyển đổi diện tích các cây trồng không phù hợp sang trồng dứa.
Nhà máy chế biến chè do Hợp tác xã chè Mường Khương làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất 950 tấn chè khô/năm, tương đương 5.000 tấn chè búp tươi/năm, tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Sản phẩm hướng tới xuất khẩu đi Đài Loan, các nước Đông Âu, Trung Đông. Tại công trường nhà máy chế biến chè, đến nay các hạng mục lớn đã hoàn thiện, chủ đầu tư đang chỉ đạo khẩn trương lắp đặt dây chuyền, hiệu chỉnh máy móc.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Giám đốc Hợp tác xã chè Mường Khương cho biết: Năng lực của nhà máy sẽ đảm bảo tiêu thụ 35 – 40% sản lượng chè của huyện. Khi chúng tôi bắt tay vào thực hiện dự án, nhiều đối tác nước ngoài đã đến tham quan nhà máy, khảo sát vùng nguyên liệu và đều mong muốn ký hợp đồng lâu dài, vì vậy người dân có thể yên tâm về đầu ra sản phẩm.
Trong khi đó, tại Nhà máy chế biến rau quả, các công nhân lắp đặt dây chuyền đóng hộp sản phẩm, hạng mục quan trọng nhất là kho lạnh bảo quản đang được lắp đặt thiết bị. Cùng với hoàn thiện các dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp cũng tuyển dụng 200 lao động vào làm việc. Theo thiết kế, Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương (do Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu làm chủ đầu tư) có công suất thiết kế 9.000 tấn dứa nguyên liệu, tương đương 4.600 tấn dứa đóng hộp; 5.600 tấn chuối nguyên liệu, tương đương 800 tấn sản phẩm chuối sấy dẻo; ngô ngọt đóng hộp 1.000 tấn/năm. Sản phẩm hướng tới xuất khẩu đi Nga, Mỹ, Rumani và tiêu thụ trong nước.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mường Khương cho biết: 2 nhà máy đi vào hoạt động không chỉ tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp tại nhà máy và hàng nghìn lao động gián tiếp trên địa bàn huyện, mà còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, khẳng định vị thế huyện là một trong những vùng trọng điểm về sản xuất chè và cây ăn quả của tỉnh, từng bước đưa thương hiệu nông sản Mường Khương vươn ra thế giới.
Song song với việc xây dựng nhà xưởng, doanh nghiệp đang phối hợp với huyện xây dựng cơ chế liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chuối, dứa cho nông dân. Đại diện 2 nhà máy cam kết với định hướng liên kết chặt chẽ với nông dân, giảm thiểu các khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm, người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ công sức lao động của mình.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Giám đốc Hợp tác xã chè Mường Khương cho biết, để nhà máy đi vào hoạt động đúng tiến độ như hiện nay, hợp tác xã đã được tỉnh Lào Cai và huyện Mường Khương tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký kinh doanh cũng như giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Hợp tác xã sẽ nỗ lực để đóng góp vào sự phát triển kinh tế cũng như an sinh xã hội của địa phương.
Theo lãnh đạo huyện Mường Khương, sự xuất hiện của 2 nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn góp phần tạo động lực thu hút thêm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến Mường Khương, đồng thời phát triển kinh tế các xã vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
Nguồn baolaocai.vn