Một dự án gần 3.000 tỷ sắp thi công trong quý II, mang đến quỹ đất công nghiệp 75 ha cho vùng ven Hà Nội
Dự kiến trong quý II tới, CCN Đồng Than tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên sẽ bắt đầu thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Từ vị trí dự án này di chuyển đến địa phận Hà Nội chỉ mất hơn 10 km.
CTCP Đầu tư và Phát triển Mitri vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Đồng Than tại xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là CTCP Môi trường Lương Tài.
Vào năm 2020, CCN Đồng Than đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển các CCN tỉnh Hưng Yên. Đến tháng 12/2021, dự án đã có quyết định thành lập của UBND tỉnh Hưng Yên với chủ đầu tư là Mitri. Tháng 3/2022, CCN Đồng Than được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Dự án này có tổng diện tích gần 75 ha, được bao quanh bởi đất nông nghiệp. Phía đông bắc giáp một số dự án sản xuất đã được tiếp nhận tại ĐT.376; phía tây bắc giáp đường quy hoạch 24 m; phía đông nam giáp đường quy hoạch 34 m; phía tây nam giáp đường huyện ĐH.45. Vị trí này cách cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hơn 1 km. Từ đây di chuyển đến địa phận Hà Nội khoảng 10 km.
Đã chuyển đổi hơn 62 ha đất lúa
Về hiện trạng, trên khu đất dự án hiện nay chủ yếu là đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm của các hộ gia đình, cá nhân xã Đồng Than đang sử dụng, một ít đất do UBND xã Đồng Than và Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Hưng Yên đang quản lý (đất đường nội đồng, mương thủy lợi).
Trong đó, đất chuyên trồng lúa nước chiếm gần 83% diện tích dự án (hơn 62 ha). Toàn bộ diện tích đất lúa này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp vào tháng 9/2022. Còn lại, chủ đầu tư sẽ cần phải tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 6 ngôi mộ. Số hộ dân bị ảnh hưởng có đất bị thu hồi GPMB là 613 hộ.
Về hệ thống giao thông, cách CCN Đồng Than 500 m về phía đông có đường tỉnh ĐT.376; phía tây có đường huyện ĐH.45 là đường giao thông cấp IV. Bên trong khu đất dự án có hệ thống nội đồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong và xung quanh (8,2 ha).
Trong cơ cấu sử dụng đất của dự án, đất xây dựng nhà máy chiếm 56,3 ha; đất cây xanh mặt nước chiếm 7,6 ha; đất giao thông 8 ha; còn lại là đất khu điều hành dịch vụ và đất kỹ thuật.
Quá trình triển khai, dự án sẽ tiến hành san nền; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ và 1 trạm xử lý nước thải.
Cụ thể, khu điều hành có tổng diện tích 6.628 m2, bố trí ở ô đất ĐH cạnh nút giao giữa đường trục chính và đường quy hoạch phía tây nam. Tại đây sẽ xây dựng Trung tâm điều hành và quản lý CCN với mật độ xây dựng tối đa 60%, cao tối đa 7 tầng, hệ số sử dụng đất 4,2 lần.
Khu dịch vụ có tổng diện tích 13.592 m2, được bố trí ở ô đất DV giáp đường huyện ĐH.45, xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ CCN với chiều cao tối đa 5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 80%, hệ số sử dụng đất 4 lần.
Đất xây dựng các nhà máy gồm 3 ô đất lớn ký hiệu CN1, CN2, CN3. Trong mỗi ô đất lớn sẽ chia thành các lô nhỏ có diện tích từ 2000 – 10.000 m2 tùy theo nhu cầu sản xuất.
Trong đó, ô đất CN1 có diện tích 23,9 ha dành cho các xí nghiệp có quy mô 2.000 m2 – 14,3 ha. Ô đất CN2 có diện tích 13,4 hadành cho các xí nghiệp có quy mô từ 2.000 m2. Ô đất CN3 có diện tích 19,1 ha dành cho các xí nghiệp có quy mô từ 2.000 m2.
Các nhà máy tại dự án sẽ được bố trí tập trung theo ngành nghề hoạt động chính: điện tử, ô tô, cơ khí, công nghiệp công nghệ cao, các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường theo từng khu vực để đảm bảo sự hỗ trợ, tương thích, tránh xung đột chéo giữa các ngành nghề hoạt động.
Trạm xử lý nước thải tại dự án sẽ nằm ở phía tây nam khu đất với công suất 1.600 m3/ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý sẽ được tập trung thoát ra mương hiện trạng ở phía tây.
Sẽ khởi công vào quý II
Tổng mức đầu tư của dự án này là khoảng 2.920 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm 863 tỷ đồng; chi phí xây dựng chiếm 1.436 tỷ đồng; chi phí dự phòng chiếm 433 tỷ đồng. Trong quý II năm nay, dự án sẽ triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật; quý III/2025 sẽ bắt đầu thu hút các nhà đầu tư vào CCN.
Nói qua về chủ đầu tư, Công ty Mitri được thành lập vào tháng 5/2020, hiện có trụ sở tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Tính đến tháng 11/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ 190 tỷ đồng. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Phùng Đắc Quyền.
Theo quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 59 CCN với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 26 CCN với tổng diện tích hơn 1.200 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12.400 tỷ đồng.
Cũng trong quý II, dự kiến sẽ có một CCN khác được khởi công tại Hưng Yên là CCN Vân Du – Quang Vinh. Dự án này vừa được lập báo cáo ĐTM hồi đầu năm, được thực hiện trên khu đất có diện tích 45 ha, thuộc địa bàn xã Vân Du và Quang Vinh, huyện Ân Thi. Vị trí này cách cao tốc Hà Nội – Hải Phòng gần 3 km.
Tổng mức đầu dự án này là 566 tỷ đồng, giai đoạn tháng 4/2023 – tháng 8/2023 sẽ tiến hành san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Từ tháng 8/2023 dự kiến đưa dự án đi vào hoạt động, tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp.
Nguồn: vietnammoi