Hà Nam: Mở rộng cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp
Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp của Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,2%/năm. Đóng góp vào kết quả đó phải kể đến sự phát triển của các cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên, thực tế hoạt động của CCN trên địa bàn cho thấy, quy mô nhiều CCN còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.
Được thành lập năm 2019, CCN Trung Lương được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của huyện Bình Lục, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Với vị trí thuận lợi ngay cạnh quốc lộ 21B – tuyến giao thông quan trọng kết nối thành phố Phủ Lý với thành phố Nam Định, CCN Trung Lương nhanh chóng thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư. Tuy nhiên, với quy mô 10,6 ha trong giai đoạn I, CCN Trung Lương đã được lấp đầy chỉ với 3 doanh nghiệp vào đầu tư.
Được định hướng là CCN đa ngành nghề, trong đó ưu tiên thu hút các ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, linh kiện điện tử, sản xuất, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng… nhưng do quy mô nhỏ, CCN Trung Lương không thể thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Bên cạnh đó, do đang phải chờ để được mở rộng nên hạ tầng CCN Trung Lương cũng chưa thể đồng bộ, nhất là chưa có quỹ đất để xây dựng nhà máy xử lý nước thải, chất thải của các doanh nghiệp. Hạ tầng giao thông kết nối cũng như một số dịch vụ phục vụ doanh nghiệp còn gặp khó khăn.
Quyết định số 648 ngày 19/4/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập CCN Trung Lương nêu rõ, định hướng mở rộng CCN Trung Lương đến năm 2025 là 69,11 ha; thực hiện mở rộng sau năm 2020 khi bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Vì vậy, thời gian này, cùng với việc đề xuất UBND tỉnh sớm phê duyệt mở rộng CCN Trung Lương theo quy hoạch đã phê duyệt, UBND huyện Bình Lục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Trung Lương, đơn vị đầu tư hạ tầng CCN Trung Lương sớm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ tiện ích cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết: Trước nhu cầu cao về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, huyện Bình Lục mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho Bình Lục sớm mở rộng CCN Trung Lương, góp phần xây dựng CCN đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Cùng với CCN Trung Lương, trên địa bàn huyện còn có CCN Bình Lục, CCN Đồn Xá – An Mỹ. Các CCN đang tạo việc làm cho trên 5.000 lao động.
Tới đây, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh mở rộng CCN Bình Lục thêm 30ha. Phấn đấu, trong năm 2021, Bình Lục sẽ thu hút thêm từ 3-5 doanh nghiệp vào đầu tư tại các CCN, đưa giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt trên 4.200 tỷ đồng, tăng trên 21% so với năm 2020.
Cũng như huyện Bình Lục, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang có nhiều doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư và mong muốn được vào đầu tư trong các CCN. Đồng thời, một số doanh nghiệp trong các CCN có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nhưng lại gặp khó khăn về vấn đề mặt bằng. Điển hình như CCN Kim Bình (thành phố Phủ Lý), CCN Thi Sơn (Kim Bảng), CCN Cầu Giát (Duy Tiên)… Các CCN này đã được lấp đầy từ lâu nhưng chưa có quyết định mở rộng.
Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN huyện Kim Bảng cho biết: Kim Bảng có 3 CCN với tổng diện tích trên 88 ha. Hiện, các CCN đang thu hút 60 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào đầu tư. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất trong 3 CCN ước đạt trên 3.159 tỷ đồng, trong đó, riêng CCN Thi Sơn đạt trên 2.328 tỷ đồng. CCN Thi Sơn với các hạng mục công trình hạ tầng cơ bản hoàn thành và có vị trí giao thông thuận tiện nên rất được lòng các nhà đầu tư. Từ khi thành lập đến nay, CCN này đã thực hiện điều chỉnh mở rộng 4 lần nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp muốn vào đầu tư, cũng như xây dựng thêm xưởng sản xuất nhưng không còn quỹ đất.
Theo Sở Công thương, đến năm 2020, UBND tỉnh Hà Nam đã ra quyết định thành lập 15 CCN với tổng diện tích là 279 ha. Các CCN đã thu hút gần 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào đầu tư, tạo việc làm cho trên 11.300 lao động. Diện tích quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 điều chỉnh còn 314 ha, hiện đã lấp đầy 100%. Trong khi đó, nhu cầu về mặt bằng sản xuất; thu gom, xử lý nước thải tập trung của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là rất lớn. Sở Công thương đã xây dựng phương án phát triển CCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề xuất rút khỏi quy hoạch CCN An Mỹ – Đồn Xá do vị trí CCN không thuận lợi, không thu hút được chủ đầu tư hạ tầng; thực hiện thủ tục điều chỉnh mở rộng cho phù hợp quy hoạch đối với các CCN: Thi Sơn, Cầu Giát, Kim Bình; mở rộng thêm khoảng 128 ha đối với 4 CCN: Trung Lương, Bình Lục (huyện Bình Lục); Thanh Hải (Thanh Liêm), Tiên Tân (thành phố Phủ Lý) theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Đồng thời, phát triển mới 4 CCN với diện tích khoảng 295 ha để đáp ứng nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Xây dựng, phát triển các CCN là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những năm gần đây, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN tăng nhanh. Nhiều nhà đầu tư có nhu cầu xin mở rộng, bổ sung mới CCN để đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam với trên 60 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trên 110 làng có nghề nên cũng rất cần mặt bằng để di dời các cơ sở công nghiệp nông thôn ra khu sản xuất công nghiệp tập trung như CCN để khắc phục tình trạng sản xuất chật chội, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ…
Phát triển CCN song song với phát triển các khu công nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nhằm thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục vụ nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp lớn nằm trong các khu công nghiệp. Vì vậy, việc điều chỉnh mở rộng, thành lập mới có chọn lọc các CCN có vị trí giao thông thuận lợi, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh là cần thiết nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn.
Nguồn: Báo Hà Nam