Mở cơ hội kết nối kinh doanh, đầu tư doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp ĐBSCL
Tại chương trình giao lưu – kết nối kinh doanh doanh nghiệp (DN) Trung Quốc – DN ĐBSCL mới đây, các chuyên gia, DN đến từ Trung Quốc khẳng định với nền văn hóa, ẩm thực tương đồng, nông sản ĐBSCL có rất nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường tỉ dân này. Về phía DN ĐBSCL cũng bày tỏ mong muốn được phía Trung Quốc hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh như vốn, công nghệ, phát triển hạ tầng logistics…
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), thông tin: ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam với các loại nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 đạt 48 tỉ USD, năm 2022 đạt 57 tỉ USD và dự kiến năm 2023 sẽ chạm mốc 60 tỉ USD. Riêng đối với lĩnh vực nông sản, hằng năm ĐBSCL xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3,3 tỉ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, đạt mức 118 tỉ USD (năm 2021). Điều đó cho thấy cán cân thương mại có sự chênh lệch và dư địa để 2 bên hợp tác là rất lớn. Về đầu tư, Trung Quốc thuộc tốp các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tại ĐBSCL, Trung Quốc hiện có hơn 400 dự án đầu tư, tập trung tại Tiền Giang, Long An, Bến Tre… Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, ĐBSCL còn có nhiều lĩnh vực mới nổi tiềm năng để hợp tác giữa 2 quốc gia: công nghệ thông tin, năng lượng, logistics…
Theo ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, Trung Quốc có thị trường rất rộng lớn với dân số 1,4 tỉ người và có nhu cầu khá lớn về nông sản chất lượng cao. Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc tiếp tục trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã lên tới 1,1 tỉ USD, thúc đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 7 năm 2023 đạt 180 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Trung Quốc và Việt Nam cũng đang đẩy mạnh thực hiện xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản sang Trung Quốc. Chẳng hạn vào tháng 8 năm nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến thông qua video đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tại Việt Nam, điều này tạo cơ hội thuận lợi cho dừa tươi – một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở vùng ĐBSCL xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian sớm nhất. Theo dự đoán của các chuyên gia, sau khi hai nước chính thức ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi hằng năm của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt 1 tỉ USD.
Mặc dù có nhiều lợi thế và cơ hội mở ra, song ĐBSCL cũng còn rất nhiều khó khăn làm cản ngại hoạt động giao thương, kết nối đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là hạ tầng (giao thông, logistics…) của ĐBSCL còn chưa đồng bộ, khiến chi phí đầu tư cao. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương Vinatrans chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Chi phí logistics ở Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP, cao hơn nhiều so với các nước phát triển và còn cao hơn một số nước đang phải triển như Thái Lan chẳng hạn. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là cơ sở hạ tầng vận tải của Việt Nam quá cũ kỹ và quá tải, hệ thống quản lý hành chính phức tạp và điều này thể hiện rất rõ tại khu vực ĐBSCL. Để khắc phục tình trạng này, ĐBSCL đã và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng… Bên cạnh đó, ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, đa số DN nhỏ và vừa, vùng nuôi trồng chưa đủ lớn còn phân tán công nghệ máy móc chưa đáp ứng, việc ứng dụng thành tựu khoa học còn hạn chế. Vì vậy, các DN ĐBSCL mong muốn đón nhận nhiều hỗ trợ và đầu tư hơn nữa từ các nước, trong đó có Trung Quốc ở những lĩnh vực thế mạnh như vốn, công nghệ, máy móc, trang thiết bị…
Tại ĐBSCL, TP Cần Thơ ở vị trí trung tâm, đóng vai trò hạt nhân kết nối vùng. Vì vậy, các DN Trung Quốc rất quan tâm và mong muốn phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại đây. Theo ông Trương Vĩ, Hội trưởng Hiệp hội DN Trung quốc tại TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây nền kinh tế TP Cần Thơ có sự phát triển vượt bậc và ngày càng có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Các cấp chính quyền đã hỗ trợ tích cực cho các DN nước ngoài, từ đó gia tăng sự quan tâm và tin tưởng của nhà đầu tư đối với thành phố. Đặc biệt, quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2050 và quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo nhiều cơ hội và mở ra không gian rộng lớn cho DN có vốn đầu tư nước ngoài vào Cần Thơ. “Việt Nam và Trung Quốc có mối tương đồng về văn hóa, ẩm thực, vì vậy cơ hội để nông sản ĐBSCL vào thị trường Trung Quốc là rất lớn. Cuộc gặp gỡ, trao đổi và kết nối hôm nay là nền tảng rất tốt, hy vọng DN hai nước sẽ có những trao đổi sâu sắc, cùng tạo cơ hội hợp tác. Chúng tôi sẽ tích cực tăng cường các mối liên hệ với ngành Nông nghiệp Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về công nghệ chăn nuôi và chế biến; hỗ trợ tìm kiếm kết nối, mở rộng thị trường, tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng từ Cần Thơ cũng như ĐBSCL sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng phụ phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh” – ông Trương Vĩ nói.
Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Cánh cửa Trung Quốc từ trước đến nay luôn rộng mở, chào đón nhiều hơn nữa nông sản Việt Nam chất lượng cao xuất khẩu sang Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Chúng tôi sẽ làm tốt vai trò kết nối DN 2 nước. Đồng thời, giúp các DN Trung Quốc thấy được tiềm năng và cơ hội trong việc đầu tư kinh doanh, kết nối giao thương tại vùng ĐBSCL, từ đó giúp cộng đồng DN 2 nước ngày càng tin tưởng và tiến tới gắn kết hợp tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, bền chặt”.
Nguồn : baocantho