Làm đường giao thông từ rác thải nhựa

Trước hệ lụy vì chất thải nhựa đang tràn ngập trái đất, sáng kiến biến loại rác thải này thành vật liệu có ích bằng việc sử dụng làm đường giao thông, đang được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới.

Hiện nay thế giới chịu sức ép rất lớn với khoảng 8,3 tỷ tấn rác thải nhựa, trong đó  6,3 tỷ tấn đã trở thành phế thải, 79% trong số đó nằm ở các bãi rác và đại dương. Rác thải nhựa vốn rất khó bị tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nguồn nước, đất đai, không khí, tác động xấu đến sức khỏe của con người.

Rác thải nhựa – vấn nạn lớn đối với môi trường hiện nay.

Mới đây, một dự án xây dựng đoạn đường dài 300m trên đại lộ Rayfield ở vùng ngoại ô Craigieburn (Australia), bằng việc sử dụng vật liệu xây dựng bổ sung bao gồm 530.000 túi nhựa, hơn 12.000 hộp mực máy in tái chế và 168.000 chai thủy tinh.

Ông Craig Devlin – Chủ tịch Close the Loop, công ty đưa ra sáng kiến và thực hiện dự án trên nói: “Công trình trên không chỉ mang tính cạnh tranh về chi phí mà còn giúp mặt đường có sức chịu lực lớn hơn, độ bền lớn hơn”.

Geoff Porter – Thị trưởng Hội đồng thành phố Hume của vùng Craigieburn cho biết, đây là sáng kiến tuyệt vời, biến những thứ bỏ đi tác hại đến môi trường, sức khỏe thành những vật liệu có ích. Dự án sẽ được mở rộng tại nhiều tuyến giao thông đường bộ khác.

Sử dụng rác thải nhựa làm đường tại Australia. Ảnh: abcnews.

Thủ tướng Anh Theresa May vừa tuyên bố lên kế hoạch cấm bán ống hút và ngoáy tai loại sử dụng một lần vào cuối năm nay trong nỗ lực làm sạch môi trường đại dương. Từ nhiều năm trước, người dân Anh được kêu gọi đổi thói quen mua sắm, hạn chế dùng túi ni lông một lần và túi ni lông sẽ được tính phí tại các siêu thị.

Tại Anh, công ty khởi nghiệp (startup) MacRebur do Toby McCartney giữ vai trò Giám đốc điều hành, đang sử dụng hàng triệu tấn nhựa phế thải để tạo ra những con đường thân thiện với môi trường, có giá thành rẻ nhưng có độ đàn hồi cao hơn, cứng hơn, hạn chế việc mặt đường bị xuống cấp, chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài hơn 10 lần so với những tuyến đường nhựa thông thường.

Toby McCartney cho biết cách làm đường thông thường có sử dụng nhựa đường đặc bitum có nguồn gốc từ dầu hỏa, chi phí tốn kém và không thể tái chế được nên MacRebur tránh khỏi yếu tố này. Ông đã tạo ra một loại chất liệu tái chế từ nhựa gọi là MR6 để thay thế cho nhựa đường phổ thông. Ý tưởng ra đời từ khi ông thấy người dân đốt nhựa lấp các “ổ gà”, “ổ voi” trên đường tại Ấn Độ, nơi ông đã từng làm việc.

Phương pháp vật liệu thảm đường của MacRebur sau đó tiếp tục được sử dụng tại quận Cumbria của Anh. Cho đến nay, đã có hàng chục quốc gia trên thế giới đã liên hệ với McRebur để tìm hiểu về kỹ thuật làm đường đó.

Ấn Độ – quốc gia có mạng lưới giao thông đường bộ lớn thứ hai thế giới, nhưng cũng là một trong những nơi con số vụ tai nạn giao thông cao nhất với hàng chục nghìn số người chết mỗi năm. Trong đó, 10% là do tai nạn liên quan đến “ổ gà” trên đường.

Thống kê cho thấy mỗi ngày Ấn Độ có khoảng 15.000 tấn chất thải nhựa, trong đó khoảng 9.000 tấn được tái chế.

Vào tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ công bố khoản đầu tư 6,9 nghìn tỷ rupee (11 tỷ USD) để xây dựng và nâng cấp sơ sở hạ tầng giao thông trong vòng 5 năm tới.

Các báo cáo mới nhất cho thấy Ấn Độ đã xây dựng hơn 100.000km đường bằng chất thải nhựa với phí rẻ hơn, bền hơn và an toàn hơn so với kỹ thuật làm đường thông thường phổ biến hiện nay.

Những con đường từ rác thải nhựa cho thấy khả năng chịu nhiệt và chống thấm nước tốt hơn, giúp giảm ô nhiễm môi trường ở Ấn Độ.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho hay, làm cho đường từ rác thải nhựa có độ bền cao hơn để chống chọi hiệu quả hơn với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và nhiệt độ cực cao.

Các chuyên gia Ấn Độ gọi làm đường bằng rác thải nhựa là một trong những công nghệ tiến bộ của thế kỷ 21.

BBT

Nguồn: mt.gov.vn | soha.vn | vn.city

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo