Kỳ vọng một năm thu hút FDI đạt đỉnh về chất và lượng
Con số giải ngân trong hoạt động thu hút FDI cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Nhìn lại hoạt động thu hút FDI trong năm 2018 có thể thấy, mặc dù số vốn đăng ký thu hút được không bằng năm 2017, tuy nhiên số vốn giải ngân đạt con số cao kỷ lục. Điều này cho thấy hoạt động thu hút FDI đang có xu hướng chuyển dịch không chỉ về lượng mà còn là chất của dòng đầu tư.
Cụ thể, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được 3.046 dự án, với tổng đăng ký đạt khoảng 35,5 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, số vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia con số giải ngân này có nhiều ý nghĩa quan trọng.
Cụ thể, con số 19,1 tỷ USD không chỉ phản ánh dòng vốn đầu tư thực chất được chảy vào thị trường, nền kinh tế Việt Nam mà theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, con số này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
“Trước tiên đây là con số quan trọng và có ý nghĩa tích cực. Trong giai đoạn tới nguồn vốn này sẽ góp phần bổ sung các năng lực sản xuất mới và hoạt động tăng trưởng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Trong hoạt động thu hút FDI, con số thực hiện có ý nghĩa hơn nhiều hơn so với số vốn đăng ký. Bởi vốn thực hiện phản ánh thực chất những đóng góp từ dòng vốn FDI đối với nền kinh tế.
Theo đó, những khó khăn vướng mắc, của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài đã được cải thiện, khắc phục nhiều. Điều này cũng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, thể chế, chính sách của Chính phủ Việt Nam. Bởi nếu không có niềm tin, thì những con số đăng ký hoàn toàn có thể là những chiếc “bánh vẽ”.
Chỉ khi thấy triển vọng từ thị trường tốt, hoạt động kinh doanh có khả năng sinh lời và nhà đầu tư cảm thấy an tâm về môi trường đầu tư, thì khi đó họ mới triển khai thực hiện các cam kết đầu tư.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, hoạt động thu hút FDI trong năm 2018 vừa qua mặc dù có sự sụt giảm về số lượng so với năm 2017, tuy nhiên, tỷ lệ vốn giải ngân tăng rất cao cho thấy, chất lượng FDI đã lên một tầm cao mới.
Theo đó, “Việt Nam đã có sự chọn lọc FDI, chú trọng hiệu quả, chất lượng, đảm bảo định hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Có nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam điều chỉnh các chính sách, chiến lược thu hút FDI. Theo đó, Việt Nam được ví như “một cô gái đẹp” và có điều kiện để “kén” những chàng rể FDI phù hợp, hướng đến chuyến dịch cơ cấu công nghiệp cao hơn.
Điều này không phải là dễ, bởi trong năm 2018, tổng kết 30 năm thu hút FDI, hoạt động thu hút FDI vẫn ghi nhận những mắt xích công nghệ bị đứt gãy trong chuỗi giá trị, tác động lan toả chưa như kỳ vọng…. Tuy nhiên, trong một năm mới, với bối cảnh mới là điểm đầu tư hấp dẫn bậc nhất khu vực châu Á theo như nhận định của Forbes mới đây, hay là điểm đến của dòng dịch chuyển đầu tư từ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, và lợi thế từ 13 hiệp định FTAs đã có hiệu lực… Việt Nam hoàn toàn tự tin có thể hoá giải những tồn tại về mặt chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội trong thời gian tới.
Ngoài ra, để hiện thực hoá được điều này, bên cạnh việc tiếp tục duy trì là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư, thì các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần lựa chọn các dự án đầu tư có tính chiến lược hơn. Ví dụ là tích cực lựa chọn thu hút những dự án đầu tư nhằm thay thế nhập khẩu các sản phẩm cần công nghệ cao ở trung và thượng nguồn của chuỗi giá trị.
Nguồn: enternews.vn