KQKD ngành khu công nghiệp quý 1/2020: Nhiều doanh nghiệp lãi bứt phá
Ngành bất động sản khu công nghiệp đang đứng trước thời cơ mới khi làn sóng dịch chuyển nhà máy đang hướng về Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 – quý đặc biệt nhất từ trước tới nay do hầu hết các ngành nghề kinh doanh đều chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Ngành khu công nghiệp cũng không ngoại lệ.
Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 tăng trưởng so với cùng kỳ
Trong số các doanh nghiệp ngành khu công nghiệp trên sàn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể ông lớn Sonadezi (SNZ) công bố doanh thu quý 1 tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 1.078 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 271 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 1 năm ngoái.
Nguyên nhân Sonadezi lãi lớn quý 1 vừa qua so với cùng kỳ, một phần do doanh thu tăng còn giá vốn lại giảm. Phần nữa do doanh thu tài chính tăng, chi phí tài chính giảm. Sonadezi ghi nhận còn hơn 4.500 tỷ đồng tiền gửi các kỳ hạn khác nhau tại ngân hàng, trong đó gửi dài hạn dưới 12 tháng lên đến 3.400 tỷ đồng. Tuy vậy công ty vẫn duy trì khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 839 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 2.917 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 tăng trưởng nữa là Long Hậu (LHG) với doanh thu tăng trưởng xấp xỉ 20% lên hơn 206 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 15% so với quý 1 năm ngoái.
Nguyên nhân lợi nhuận quý 1 vừa qua tăng mạnh, do doanh thu tăng, giá vốn tăng ít hơn tỷ lệ tăng doanh thu. Trong đó 2 mang kinh doanh mang lại lợi nhuận gộp lớn nhất cho công ty là phát triển cơ sở hạ tầng và cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Nam Tân Uyên (NTC) – doanh nghiệp thường được nhắc đến nhất trong ngành khu công nghiệp bởi không chỉ kết quả kinh doanh tốt, trả cổ tức tỷ lệ cao, mà còn là một trong những doanh nghiệp có giá cổ phiếu thuộc TOP trên của sàn. Hiện NTC đang giao dịch quanh mức 179.000 đồng/cổ phiếu – tăng so với thời điểm đầu năm 2020 bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh lên sàn chứng khoán.
Kết quả cụ thể, quý 1 Nam Tân Uyên đạt hơn 85 tỷ đồng doanh thu, tăng 22,4% so viowsi cùng kỳ. EPS đạt 5.336 đồng. Trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính đạt hơn 77 tỷ đồng – chủ yếu là tăng lãi tiền gửi và cổ tức được nhận.
Nam Tân Uyên cũng là một trong số ít doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 tăng trưởng so với quý 4/2019 ngay trước đó như Long Hậu và Gemadept (GMD).
Nếu xét doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất so với cùng kỳ phải kể đến Tân tạo (ITA) với số lãi quý 1 đạt 25,4 tỷ đồng, gấp 4,3 lần lợi nhuận đạt được quý 1 năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất theo quý công ty đạt được từ năm 2011 tới nay nhờ doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại KCN Tân Tạo và KCN Tân Đức.
Tuy vậy Tân Tạo ITA vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Tại Báo cáo kiểm toán 2019, E&Y – đơn vị kiểm toán của ITA – đã nhấn mạnh việc Tập đoàn có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước một lần cho toàn bộ thời gian thuê của diện tích đất đã được cho thuê nêu trên theo đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất một lần mà số tiền này có thể khác với số tiền đã được Tập đoàn trích trước (hiện ITA đang trích giá vốn là 886 tỷ đồng). Tại ngày lập báo cáo kiểm toán 2019 ITA và các cơ quan quản lý địa phương vẫn chưa xác định được đơn giá thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với diện tích nêu trên.
Ngoài ra kiểm toán cũng nêu vấn đề nhấn mạnh đối với khoản đầu tư vào TEDC và TEC 2 với tổng giá trị 2.170 tỷ đồng và khoản phải thu từ TEDC, TEC 2 và TEC với số tiền 1.359 tỷ đồng. Việc thu hồi các khoản đầu tư và khoản phải thu này được BGĐ xác định dựa trên giả định là TEC sẽ tiếp tục thực hiện dự án nhiệt điện Kiên Lương – tuy nhiên đến thời điểm này TEC vẫn đang trong quá trình xin các phê duyệt cần thiết từ các cơ quan chức năng cho dự án này.
Nhưng không ít doanh nghiệp vẫn chưa nhận được cơ hội, lợi nhuận sụt giảm
Bên cạnh những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lợi nhuận quý 1 giảm sút so với cùng kỳ. Becamex (BCM) – một trong những “ông lớn” ngành khu công nghiệp lại gây bất ngờ khi doanh thu giảm mạnh 31% so với cùng kỳ, còn 1.229 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư giảm mạnh 42% còn hơn 819 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí giá vốn cũng giảm mạnh khiến cho lợi nhuận gộp tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 564 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý 1 vừa qua của Becamex giảm là do doanh thu tài chính giảm đột biến từ 466 tỷ đồng xuống còn chưa đến 4 tỷ đồng do quý 1 năm nay công ty không còn ghi nhận khoản lãi từ thoái vốn bán cổ phiếu 372 tỷ đồng và cũng không còn khoản cổ tức, lợi nhuận được chia hơn 70 tỷ đồng như trong quý 1/2019.
Do vậy, quý 1/2020 Becamex còn lãi sau thuế 332 tỷ đồng, giảm 46% so với quý 1/2019 và đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất theo quý công ty đạt được từ khi lên sàn.
Kinh Bắc City (KBC) ghi nhận doanh thu quý 1 tăng 11,2% so với cùng kỳ, đạt 556 tỷ đồng, trong đó doanh thu chuyển nhượng bất động sản và thuê đất chiếm 84% tổng doanh thu. Tuy vậy trừ các loại chi phí quý 1 Kinh Bắc City còn lãi sau thuế hơn 94 tỷ đồng, giảm gần 9% so với quý 1 năm ngoái.
Nhưng gây bất ngờ nhất trong quý 1 vừa qua có lẽ là LDG với doanh thu và lợi nhuận đều giảm sâu so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu đạt 66 tỷ đồng, hơn 1/5 so với quý 1/2019 – mà phần lớn doanh thu lại đến từ mảng bất động sản. Lợi nhuận sau thuế còn hơn 1,4 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm ngoái LDG lãi sau thuế 120 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi thấp nhất LDG ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.
Các doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 giảm sút so với cùng kỳ còn phải kể đến Gemadept (GMD), tới Idico (IDC) Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP), với Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP)…
Khá khập khiễng khi mang lợi nhuận ra so với quý ngay trước đó, nhưng ở tình hình hiện tại, có thể xét trên phương diện quý 4/2019 là quý chưa bị ảnh hưởng bới dịch bệnh và quý 1 năm nay dịch bệnh lan rộng trên toàn thế giới.
Nếu vậy, tuy là kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận quý 1 vừa qua của Sonadezi vẫn giảm đến 38% so với quý 4 ngay trước đó (đạt 437 tỷ đồng).
Becamex (BCM) cũng không ngoại lệ khi lợi nhuận quý 1 vừa qua chỉ bằng 1/3 so với quý 4/2019 (đạt 926 tỷ đồng). Kể cả Kinh Bắc City (KBC), LDG, IDC, ITA, SIP… đều có lợi nhuận quý 1 vừa qua giảm mạnh so với quý 4/2019.
Chỉ có rất ít doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1/2020 tăng trưởng so với quý 1/2019 là Gemadept, Long Hậu và Nam Tân Uyên.
Quý 1 đã khép lại với nhiều biến động lên tất cả các ngành nghề kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh – là một cơ hội mới để Việt Nam đón nhận các khoản đầu tư từ nước ngoài trong khi nhiều nước khác đang vật lộn chống lại dịch bệnh.-
Những doanh nghiệp ngành Khu công nghiệp cũng có thể được xem là bắt đầu hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa, các nhà máy, khu công nghiệp đang dần dịch chuyển vào Việt Nam.
Nguồn: cafef.vn