Kiên Giang: Tìm giải pháp hấp dẫn đầu tư vào các khu công nghiệp
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng việc đầu tư phát triển hạ tầng KCN tại Kiên Giang trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Thực trạng đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư cấp 1.
Các khu công nghiệp chưa kêu gọi được nhà đầu tư cấp 1
Hiện nay, Kiên Giang có 2 KCN đang hoạt động, gồm KCN Thạnh Lộc (huyện Châu Thành) và KCN Thuận Yên (TP. Hà Tiên).
Trong đó, KCN Thạnh Lộc đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn I được 154,85/155,167 ha, đạt 99,79%; đã triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, tỷ lệ đầu tư xây dựng KCN Thạnh Lộc giai đoạn I, quy mô 151,98 ha, là 52,03%.
Đến cuối năm 2023, tại KCN Thạnh Lộc có 23 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6.694 tỷ đồng, diện tích đăng ký 69,36 ha, tỷ lệ lấp đầy (giai đoạn I) đạt khoảng 63%. Lũy kế vốn đầu tư đến cuối năm 2023 ước đạt 5.517 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư vào KCN Thạnh Lộc đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp mới cho tỉnh như giày da, kính cường lực, gỗ MDF, bia, nước giải khát, phụ kiện ngành điện nước. Đồng thời, gia tăng thêm một số sản phẩm công nghiệp khai thác được tiềm năng, thế mạnh của Kiên Giang như chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, các dự án đầu tư trong KCN còn thúc đẩy một số lĩnh vực khác phát triển thông qua việc cung cấp các dịch vụ, nguồn nguyên vật liệu…
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, các dự án đầu tư trong KCN Thạnh Lộc đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ.
Trong giai đoạn 2017 – 2023, doanh thu bình quân của các doanh nghiệp trong KCN Thạnh Lộc đạt khoảng 5.884 tỷ đồng/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp ước đạt khoảng 900 triệu USD.
Đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp trong KCN Thạnh Lộc đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 12.100 lao động (người lao động trong tỉnh chiếm khoảng 90%), đời sống của người lao động ngày càng được nâng lên. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Đồng thời, giai đoạn 2017 – 2023, doanh nghiệp trong các KCN đã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 4.729 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đối với KCN Thuận Yên đã giải phóng mặt bằng được 131,37/133,95 ha, đạt 98,07%; thực hiện đầu tư hạ tầng một phần các trục đường trong KCN, tỷ lệ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN là 16,21%.
Hiện tại, KCN Thuận Yên có một dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với vốn đăng ký đầu tư 292,5 tỷ đồng, diện tích đăng ký 22,60 ha, tỷ lệ lấp đầy 25,84%. Giải quyết việc làm cho gần 100 lao động.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng việc đầu tư phát triển hạ tầng KCN tại Kiên Giang trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Thực trạng đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư cấp 1.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xử lý nền đất yếu và giá cho thuê đất cao, nên chi phí đầu tư dự án tại các KCN trên địa bàn tỉnh khá cao, dẫn đến thời gian hoàn vốn của dự án dài, từ đó khó thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư dự án trong KCN.
Bên cạnh đó, Kiên Giang có vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm kinh tế lớn của cả nước; hạ tầng giao thông của tỉnh nói riêng, cũng như toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong quá trình hoàn thiện. Hệ thống dịch vụ logistics, cảng biển trong vùng còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa…
Tập trung khuyến khích, kêu gọi đầu tư
Trước thực trạng trên, tỉnh đã nghiên cứu, vận dụng nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN.
UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Chương trình Đầu tư phát triển hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng KCN một cách đồng bộ, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững.
Đồng thời, vận dụng tốt các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN.
Trong đó, tỉnh xác định tập trung phát triển các KCN tại những vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển và có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, với tổng quy mô phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030.
Ngoài ra, Kiên Giang cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất – kinh doanh, phấn đấu lấp đầy phần diện tích còn lại của giai đoạn I – KCN Thạnh Lộc.
Song song việc đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành giai đoạn II – KCN Thạnh Lộc và KCN Thuận Yên, tỉnh kêu gọi nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Xẻo Rô theo chỉ tiêu sử dụng đất được duyệt (57/210,54 ha). Sau năm 2025, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN còn lại theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Để đạt mục tiêu đề ra, trên cơ sở các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN theo hướng phù hợp và đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch của các địa phương.
Tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư phát triển KCN theo hướng tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hình thức xúc tiến đầu tư, tổ chức các hội nghị chuyên đề về kêu gọi đầu tư, nhằm thu hút các doanh nghiệp có điều kiện, năng lực về tài chính tham gia đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư sản xuất – kinh doanh tại các KCN theo quy hoạch.
Chủ động mời gọi các nhà đầu tư quan tâm, hướng dẫn nhà đầu tư từ khâu nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đến khi thực hiện thủ tục đầu tư và trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển các KCN của tỉnh. Đặc biệt, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Bên cạnh đó, tập trung huy động tốt các nguồn lực (kể cả nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ngoài ngân sách) để đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp. Trong đó, ưu tiên cân đối và bố trí vốn ngân sách tỉnh để hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN theo quy hoạch.
Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu đề xuất và xây dựng mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với định hướng và tình hình phát triển ngành công nghiệp của tỉnh để hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN phù hợp với khả năng cân đối từ ngân sách tỉnh, nhằm chủ động và tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng “sạch” kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.
Nguồn: moitruongvadothi