Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh: Thu hút được các dự án có vốn đầu tư lớn
Thu hút được các dự án có vốn đầu tư lớn
Trong 10 tháng đầu năm 2017, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 2.184 tỷ đồng, trong đó có một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Dự án Bến số 02 – Cảng Chân Mây của Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây với vốn đăng ký 849 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 14 ha; Dự án khu du lịch Suối Voi của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư – Huế với vốn đăng ký 218,2 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 51,1 ha; Dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granit công suất 7,2 triệu m2/năm của Công ty TNHH Vitto Phú Lộc tại KCN La Sơn, vốn đầu tư đăng ký 610,9 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 10 ha.
Dự kiến 02 tháng cuối năm 2017, Ban Quản lý sẽ cấp mới Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho khoảng 04 dự án với vốn đăng ký dự kiến 6.500 tỷ đồng đó là dự án Khu phức hợp du lịch dịch vụ Đăng Kim Long Thừa Thiên Huế của Công ty TNHH Đăng Kim Long, vốn đăng ký 3.730 tỷ đồng; dự án Mở rộng Khu nghỉ dưỡng Huyền Thoại Địa Trung Hải của Công ty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland, vốn đăng ký 1.800 tỷ đồng; dự án Khu đô thị và du lịch của Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex, vốn đăng ký 908 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành may của Công ty TNHH Song Thiên Long, vốn đăng ký 37 tỷ đồng. Đồng thời, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Laguna Lăng Cô (hồ sơ điều chỉnh dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư), với vốn đầu tư tăng thêm 1,125 tỷ USD.
Tính đến nay, trên địa bàn các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 147 dự án đã được cấp phép, với tổng vốn đầu tư đăng ký 65.750,0 tỷ đồng; trong đó có 34 dự án của nhà đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký là 31.167,6 tỷ đồng. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay đạt 20.470 tỷ đồng, chiếm 31,1% vốn đầu tư đăng ký. Tổng vốn đầu tư thực hiện tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp 09 tháng năm 2017 đạt 2.050 tỷ đồng, đạt 58,5% kế hoạch đề ra; dự ước cả năm đạt 2.600 tỷ đồng, đạt 74,3% kế hoạch đề ra.
Xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ
Năm 2017, cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ để có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ; đồng thời kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không đủ năng lực triển khai dự án bằng cách thu hồi giấy phép đầu tư để giao cho các nhà đầu tư đủ tiềm lực. Ban Quản lý đã tiến hành kiểm tra, rà soát 24 dự án chậm tiến độ và ngừng hoạt động, có văn bản thông báo cho các nhà đầu tư có dự án thuộc diện chấm dứt hoạt động và sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động trong năm 2017.
Đối với các dự án thuộc diện giám sát đặc biệt và đôn đốc tiến độ, định kỳ hàng tháng, Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tổ chức giao ban tại công trường dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời, có biện pháp xử lý nếu nhà đầu tư chậm triển khai, nhờ đó, nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ, nổi bật là các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Theo đó, với sự vào cuộc của các ngành liên quan và Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp, Dự án Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải của Công ty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland sau một thời gian dài bị chậm tiến độ thì đầu năm 2017 đã khởi động và đẩy mạnh việc thi công.
Đến nay, Dự án đã xây dựng 40 biệt thự, 2 khối khách sạn và các khu bổ trợ với tổng vốn thực hiện gần 400 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoạt động giai đoạn 1 vào đầu năm 2018. Theo kế hoạch của Chủ đầu tư, sau khi đưa vào hoạt động giai đoạn 1 thì sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nhằm đưa khu du lịch này đạt được tiêu chuẩn của một khu nghỉ dưỡng cao cấp và là điểm đến ấn tượng tại bờ biển nổi tiếng Lăng Cô.
Một dự án khác cũng đã có sự chuyển mình đó là Dự án hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Huế đã hoàn thành công tác đền bù với 74ha, xây dựng 3 nhà xưởng và đang triển khai thi công tuyến đường D7, dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2019.
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế