Khởi công KCN Sơn Mỹ 1 vào ngày 30/8
KCN Sơn Mỹ 1 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ làm chủ đầu tư, sẽ được khởi công vào ngày 30/8 tới, nhằm chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022).
Tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1555/XD-TTg ngày 30/4/2015 phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, huyện Hàm Tân có 3 khu công nghiệp, gồm KCN Sơn Mỹ 1 có diện tích 1070 ha, KCN Sơn Mỹ 2 có diện tích 540 ha, KCN Tân Đức diện tích 300 ha.
Hiện nay, chủ đầu tư KCN Sơn Mỹ 1 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án, hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường phần xây dựng, làm xong thủ tục cấp phép xây dựng, tiến hành rà phá bom mìn… Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có ý kiến thống nhất tổ chức Lễ khởi công KCN Sơn Mỹ 1 vào ngày 30/8, nhằm chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022). Theo đó, UBND huyện Hàm Tân được giao chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư KCN Sơn Mỹ 1 trong công tác đảm bảo an ninh, phòng cháy chữa cháy, y tế và các nội dung liên quan đến tổ chức lễ khởi công…
Dự án KCN Sơn Mỹ 1 có vị trí tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân với tổng diện tích 1.070 ha, dự báo quy mô lao động đến năm 2030 khoảng 38.520 người. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ làm chủ đầu tư. Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới nhất, dự án có tổng vốn khoảng 9.000 tỷ đồng. Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 có phía Đông giáp xã Tân Phước, thị xã Lagi; phía Tây giáp KCN Sơn Mỹ 2; phía Nam giáp biển Đông; phía Bắc giáp khu dân cư hiện hữu xã Sơn Mỹ.
Sơn Mỹ 1 sẽ là khu công nghiệp đa ngành, tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; ngành sản xuất chế tạo thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, thực phẩm và Trung tâm điện lực.
Nhiều dự án tỷ USD
Đáng chú ý, chủ đầu tư KCN Sơn Mỹ 1 là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ cũng vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận chủ trương đề xuất thực hiện đầu tư dự án Bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ, nhằm đáp ứng mục tiêu phục vụ cho KCN Sơn Mỹ 1, Trung tâm điện lực Sơn Mỹ. Địa điểm xây dựng đề xuất tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, với diện tích quy hoạch dự kiến là 160,4 ha.
Cụ thể, doanh nghiệp này đề nghị xây bến cảng gồm 6 cầu. Trong đó, có 3 cầu cảng tổng hợp và 3 cầu cảng chuyên dùng. Các cầu cảng tổng hợp tiếp nhận tàu lớn nhất 30.000 đến 50.000 tấn. Các cầu cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu lớn nhất 50.000 đến 150.000 tấn.
Giai đoạn 1 (2022-2024) sẽ xây dựng đê chắn sóng; kè bảo vệ bờ; tôn tạo nền bãi, kho bãi hàng hóa; nạo vét khu nước, luồng tàu, vũng quay và thiết lập báo hiệu hàng hải cho tàu đến 100.000 DWT. Đồng thời, hoàn thành 2 cầu cảng tổng hợp; 1 cầu cảng xăng dầu cho tàu 100.000 DWT và 1 cầu cảng LNG số 1 phục vụ Nhà máy Sơn Mỹ 1. Giai đoạn 2 (2022-2026) xây dựng đoạn 2 của đê chắn sóng phía Nam, 1 cầu tổng hợp cho tàu 50.000 DWT; 1 cầu cảng LNG số 1 phục vụ Nhà máy Sơn Mỹ 2.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đề xuất khu bến Sơn Mỹ được quy hoạch phục vụ trực tiếp KCN Sơn Mỹ, tổng kho LNG Sơn Mỹ và Trung tâm điện lực Sơn Mỹ; có bến hàng lỏng/khí, bến tổng hợp, bến khách phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư. Cùng đó, việc tiếp nhận cỡ tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu khách quốc tế được đánh giá là phù hợp với thực tế nhu cầu.
Ngoài ra, liên doanh Tổng Công ty Becamex IDC và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) cũng đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận hoàn thiện hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư đối với dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Sơn Mỹ 2.
Hiện tại, KCN Sơn Mỹ 2 ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân đã được duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 với tổng diện tích 540 ha, dự báo quy mô lao động đến năm 2030 khoảng 19.440 người. KCN Sơn Mỹ 2 có phía Đông giáp khu dân cư Sơn Mỹ; phía Tây giáp sông Cô Kiều; phía Nam giáp sân golf và KCN Sơn Mỹ 1; phía Bắc giáp đất nông nghiệp xã Sơn Mỹ.
Sơn Mỹ 2 sẽ là khu công nghiệp tập trung đa ngành, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng và các ngành khác, như vật liệu xây dựng, điện tử công nghệ thông tin, cơ khí, chế tạo, lắp ráp, chế biến lâm sản, sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng, thực phẩm…
Với KCN Tân Đức, chủ đầu tư là Công ty Sonadezi Bình Thuận đã tích cực phối hợp với UBND huyện Hàm Tân và xã Tân Đức triển khai thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Đến nay đã hoàn thành hồ sơ kiểm kê thực địa đạt 98,7%, thực hiện chi trả tiền đền bù cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng với diện tích 50 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất phương án sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Gia Ray và Tâm Hưng Hòa thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai phục vụ cho KCN Tân Đức. Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã thống nhất đầu tư trạm biến áp 110kv Tân Đức cấp điện cho KCN Tân Đức và UBND huyện Hàm Tân đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến công trình “Đường dây 110kV Hàm Tân 2 – Tân Đức – Hòa Bình” và trạm biến áp 110kV Tân Đức và đường dây đấu nối.
Ngoài các khu công nghiệp, huyện Hàm Tân còn được phê duyệt quy hoạch 5 cụm công nghiệp là cụm công nghiệp Thắng Hải 1 diện tích 50 ha, cụm công nghiệp Thắng Hải 2 diện tích 40 ha, cụm công nghiệp Thắng Hải 3 diện tích 50 ha, cụm công nghiệp Nghĩa Hòa diện tích 35 ha, cụm công nghiệp Sông Phan diện tích 30 ha.
Nguồn: cafef