“Khẩu vị” mới của nhà đầu tư Singapore
Những dự án mới đây của nhà đầu tư Singapore đã cho thấy nét mới trong “khẩu vị” đầu tư của các doanh nghiệp đảo quốc sư tử tại Việt Nam.
Quan tâm dự án ngân hàng, năng lượng
Tháng trước, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB – Singapore) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận về nguyên tắc để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Danh sách nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Thành viên, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc UOB cũng đã được chấp thuận.
Nghĩa là, sau nhiều chờ đợi, cuối cùng, UOB cũng đã có được tấm “giấy thông hành” để hoạt động tại Việt Nam với danh nghĩa là ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Những gì còn lại chỉ là hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để Ngân hàng Nhà nước ra quyết định cuối cùng.
UOB là ngân hàng đầu tiên của Singapore thành lập ngân hàng con tại Việt Nam. Sự kiện này dường như đang đánh dấu “khẩu vị mới” của các nhà đầu tư Singapore. Nếu như trước đây, vốn đầu tư của Singapore chủ yếu tập trung vào các dự án chế biến, chế tạo và bất động sản, thì nay, có vẻ như, dòng tiền đang chuyển hướng.
Không chỉ là dự án ngân hàng, thông tin gần đây cho biết, các nhà đầu tư Singapore cũng đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam. Chính UOB, vào năm ngoái, đã quyết định thông qua quỹ đầu tư UOB Venture Management Pte Ltd (UOB VM) để cùng với Tập đoàn ORIX – Nhật Bản đầu tư 25 triệu USD vào Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco (Bitexco Power), thuộc Tập đoàn Bitexco.
Ông Ian Fox, Tổng giám đốc điều hành Bitexco Power cho rằng, sự tham gia đầu tư của các tổ chức nổi tiếng trên toàn cầu như UOB và ORIX sẽ đóng góp quan trọng cho ngành năng lượng Việt Nam.
Nhưng đó mới chỉ là một khoản đầu tư nhỏ. Sembcorp mới chính là nhà đầu tư Singapore sẵn sàng dốc hàng tỷ USD cho một nhà máy điện ở Việt Nam.
Thông tin cho biết, cuối tháng 7 vừa qua, đại diện tập đoàn này đã tới Quảng Ngãi để chính thức báo cáo với các lãnh đạo của tỉnh này rằng, cuối năm nay, Sembcorp sẽ có Báo cáo nghiên cứu khả thi về Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tại Khu kinh tếDung Quất. Ban đầu, Sembcorp lên kế hoạch xây dựng nhiệt điện than ở Quảng Ngãi, với vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, nhưng cuối cùng, sau khi Chính phủ chấp thuận việc Exxon Mobil đầu tư khai thác mỏ Cá Voi Xanh và chấp thuận Quy hoạch địa điểm Trung tâm Khí điện miền Trung, thì tập đoàn này đã chuyển hướng sang đầu tư điện khí.
Năm ngoái, nhà phát triển năng lượng điện gió Singapore là The Blue Circle cũng đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư cho dự án 40 MW tại tỉnh Ninh Thuận, với vốn đầu tư giai đoạn I là 60 triệu USD.
Dù tất cả những dự án kể trên đều chưa bắt đầu, nhưng đã cho thấy sự khác biệt trong “khẩu vị” đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.
Luôn ở top đầu
Chưa tính các khoản đầu tư nói trên, thì Singapore đã luôn là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến nay, số vốn mà doanh nghiệp Singapore đầu tư là 41,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 3 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Rất nhiều dự án của Singapore đã đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam.
Một trong những điển hình không thể không nhắc tới là Sembcorp, với việc liên doanh với Becamex để phát triển chuỗi các khu công nghiệp – đô thị VSIP trải dài khắp Việt Nam, từ Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương, tới Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Phòng… Đầu năm nay, VSIP lại quyết định đầu tư một khu công nghiệp thứ ba tại Bình Dương, với tổng vốn đăng ký 284,75 triệu USD.
Nhưng câu chuyện không chỉ là khoản vốn mà VSIP bỏ ra để đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp – đô thị này, mà quan trọng hơn, VSIP đã thu hút được hàng trăm nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới trên 9 tỷ USD, một con số không hề nhỏ.
Không chỉ VSIP, nhiều nhà đầu tư Singapore khác cũng đã thành công tại Việt Nam và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Năm ngoái, Mapletree Investment Pte Ltd đã quyết định mua lại tòa nhà Kumho Asiana Plaza Saigon tại quận 1, TP.HCM từ Kumho Industrial Company Limited và Asiana Airlines Incorporated. Sau thương vụ này, khối lượng tài sản của Mapletree tại Việt Nam đã lên tới hơn 1 tỷ đô la Singapore.
Trước Mapletree, Keppel Land cũng đã mua lại 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP.HCM, tương đương 93,9 triệu USD. Chưa kể, hàng loạt tên tuổi lớn của quốc đảo này cũng đã đầu tư lớn tại Việt Nam, như Banyan Tree với Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô, tổng vốn 875 triệu USD; hay KinderWorld với loạt trường quốc tế ở nhiều tỉnh, thành phố và vẫn đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư mới…
Không dừng lại ở các kết quả hiện tại, các doanh nghiệp Singapore vẫn đang âm thầm tìm kiếm những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới tại Việt Nam. Việc UOB mở ngân hàng con lại Việt Nam, trên thực tế cũng không nằm ngoài mục đích phục vụ các doanh nghiệp Singapore ngày càng đầu tư lớn vào Việt Nam.
Nguồn: Báo đầu tư Online