Tổ hợp Khoa học và Kỹ Thuật Liên ngành Đại học Northeastern
Từng đạt Huân chương Harleston Parker, chứng nhận LEED Vàng cho các công trình xanh, Tổ hợp Khoa học Kỹ Thuật Liên ngành Đại học Northeastern được xem như một dự án đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khu đại học và nghiên cứu về phía Nam tuyến tàu điện ngầm chính trong thành phố.
Thông tin công trình
Tên công trình: Tổ hợp Khoa học và Kỹ Thuật Liên ngành Đại học Northeastern (ISEC)
Địa điểm: Boston, Massachusetts
Kiến trúc sư: Công ty Payette
Diện tích: 21.700m2
Năm hoàn thành: 2017
Nguồn ảnh: world-architects.com
Với diện tích 21.700m2, cơ sở trên bao gồm một chuỗi phòng thí nghiệm cùng không gian nghiên cứu phục vụ cho hoạt động thúc đẩy hợp tác, đổi mới trong lĩnh vực khoa học máy tính, khoa học cơ bản, khoa học sức khỏe và công nghệ.
Các văn phòng, phòng hội thảo cùng khu vực nhóm họp tại phía Nam hội trường có tác dụng che chắn, giúp khu vực thí nghiệm tránh được sự tiếp xúc khắc nghiệt với ánh nắng mặt trời.
Những trang thiết bị, phương tiện hiện đại cho phép Đại học Northeastern trở thành một trong nhiều cơ sở nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, đồng thời xác lập vị trí là trung tâm học thuật và xã hội tân tiến của giới sinh viên.
Một điểm nhấn đáng chú ý mà dự án đem tới chính là cây cầu đi bộ, có chức năng làm đầu mối trung gian liên kết giữa Tổ hợp với khu phố Roxbory lân cận cùng sân bóng chày Fenway Park.
Cây cầu trên chẳng những giúp người đi lại tiếp cận lối ra vào tòa nhà thuận lợi hơn, mà còn đóng vai trò như tuyến trung chuyển đến một số khu vực lân cận như tuyến tàu điện ngầm Orange, cùng trạm xe buýt liền kề thuộc Cơ quan Giao thông Vịnh Massachusetts, Hoa Kỳ.
Nhằm giúp công trình ứng phó với các thách thức ngoại cảnh sau này, KTS đã sử dụng thép tấm chống chịu thời tiết làm hệ lam chắn nắng, vừa khiến không gian làm việc tránh tiếp xúc với cái nắng gay gắt, mà vẫn lưu thông ánh sáng hiệu quả, không cản trở tầm nhìn ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, hệ thống lưu thông khí theo tầng hoạt động với cơ chế đặc biệt. Cụ thể, bộ phận này sẽ hút luồng khí đã được điều hòa từ các văn phòng làm việc cùng giếng trời, rồi chuyển lại khối khí trên cho khu vực thí nghiệm tái sử dụng.
Đáng chú ý hơn, hệ thống dàn trao đổi nhiệt được lắp đặt đóng vai trò thu lại năng lượng từ khí thải trong các phòng thí nghiệm, đồng thời điều hòa trước nguồn không khí ngoài trời nhằm phục vụ cho hoạt động sưởi ấm sau này.
Vấn đề ánh sáng tại công trình đã được tính toán hết sức bài bản, với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả trong thiết kế kiến trúc. Có thể thấy, khu giếng trời sáu tầng ngoài đem đến nguồn sáng dồi dào còn mang lại sự dễ chịu về thị giác cho các phòng thí nghiệm và không gian kế bên.
Chính ý tưởng công khai, “trưng bày” hoạt động nghiên cứu đã quyết định nên tính xuyên thấu cho không gian làm việc. Cụ thể, những phòng nghiên cứu hay phòng hội thảo tại tòa nhà đã được lắp kính gần như hoàn toàn, khiến người qua lại dễ dàng quan sát các hoạt động bên trong vẫn diễn ra hàng ngày.
Bên cạnh nhiều giải thưởng danh giá từng nhận về trong quá khứ, mới đây công trình trên còn đạt được AIA Awards 2021 – giải thưởng cao nhất của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA). Kết quả này như một sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực từ phía Payette trong việc sáng tạo ra một công trình không những “xanh”, độc đáo, mà hơn cả còn đem lại giá trị cộng đồng lớn lao.
Đình Đức
Dựa trên Aasarchitecture