Hóa giải chênh lệch về thu hút vốn FDI
Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài hình thành cuộc đua tam mã ở thị trường Việt Nam, thì ở chiều ngược lại, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) giữa các địa phương cũng rất gay cấn. Tuy nhiên, phần thắng lại chỉ dành cho số ít.
Cuộc đua gay cấn
Hơn 1 tháng trước, Bình Phước tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và đã có hơn 1 tỷ USD cam kết đầu tư vào tỉnh này. Dù đã có thêm những khoản cam kết mới, thì lũy kế đến ngày 20/9/2018, tổng vốn FDI mà Bình Phước thu hút được chỉ vỏn vẹn 2,33 tỷ USD, đứng thứ 28 trong “bảng tổng sắp” các địa phương thu hút FDI nhiều nhất ở Việt Nam.
Sẽ không có gì đáng nói nếu không biết rằng, Bình Phước và Bình Dương cùng được tách từ tỉnh Sông Bé hơn 20 năm trước. Có điều kiện khá tương đồng, song sau 30 năm thu hút FDI, trong khi Bình Dương đứng ở vị trí thứ 3 cả nước, với trên 30,8 tỷ USD, thì Bình Phước lại quá khiêm tốn.
Tương tự, Vĩnh Phúc và Phú Thọ được tách từ tỉnh Vĩnh Phú cách đây hơn 20 năm. Phú Thọ thực chất có nhiều lợi thế hơn, do có TP. Việt Trì, với các khu công nghiệp và cảng sông. Thời điểm tách tỉnh (năm 1997), Phú Thọ thu ngân sách 300 tỷ đồng, gấp 3 lần Vĩnh Phúc.
Song sau 20 năm, nhờ biết tận dụng lợi thế, Vĩnh Phúc đã vượt lên trở thành một trong các địa phương có kinh tế phát triển khá trong cả nước. Việc thu hút được các nhà đầu tư lớn như Toyota, Honda, Piaggio… đã góp phần khiến tỉnh này “thay da đổi thịt”. Tuy Vĩnh Phúc không nằm trong top đầu về thu hút FDI, song con số 4,29 tỷ USD cũng là đáng ghi nhận, nhất là nếu so với con số 1,19 tỷ USD của Phú Thọ.
Đây chính là hai ví dụ điển hình được Cục Đầu tư nước ngoài viện dẫn khi xây dựng báo cáo về 30 năm thu hút FDI ở Việt Nam để nhấn mạnh về sự chênh lệch quá lớn giữa các địa phương trong thu hút FDI. “Những địa phương thu hút được nhiều FDI, thì trình độ phát triển kinh tế – xã hội cao hơn, nảy sinh tình trạng phát triển không đồng đều giữa các địa phương”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Khi xây dựng Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030, các chuyên gia của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cũng có nhận định tương tự. Theo báo cáo này, trên 70% vốn FDI cho tới nay tập trung ở 11/63 tỉnh, thành phố Việt Nam, trong khi chỉ chiếm 33% dân số toàn quốc.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tất cả các địa phương trong cả nước đã tiếp nhận vốn FDI, nhưng tập trung chủ yếu ở TP.HCM, với 44,4 tỷ USD; Hà Nội đạt 32,9 tỷ USD; ngoài Bình Dương đứng thứ 3 còn có Bà Rịa – Vũng Tàu, 29,6 tỷ USD; Đồng Nai 28,2 tỷ USD… Trong khi đó, ở cuối bảng xếp hạng, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang chỉ thu hút được vài triệu USD.
Sự chênh lệch quá lớn trong thu hút FDI giữa các địa phương được nhận định là một “điểm yếu” trong thu hút FDI của Việt Nam 30 năm qua.
Hóa giải sự chênh lệch
Hóa giải sự chênh lệch trong thu hút FDI giữa các địa phương là điều được nhấn mạnh không chỉ ở định hướng thu hút FDI trong thời gian tới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, mà ở cả Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có lần bày tỏ lo ngại về điều này, về cạnh tranh thu hút FDI giữa các địa phương. “Thu hút FDI vẫn gắn với thành tích chính trị của chính quyền địa phương nhiều hơn là hiệu quả thực sự”, ông Tuấn nói.
Thừa nhận thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, đúng là có sự cạnh tranh ngầm giữa các địa phương trong thu hút FDI. Khi sự chênh lệch thu hút FDI giữa các địa phương ngày càng lớn, thì cạnh tranh càng gay gắt. Tuy nhiên, tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm đề xuất khuôn khổ pháp lý để các địa phương không cạnh tranh xuống đáy, mà là cạnh tranh cùng phát triển. Cùng với đó, có chiến lược để không còn sự chênh lệch quá lớn trong thu hút FDI giữa các địa phương.
“Để thích ứng với thực trạng là đang có các cấp độ phát triển khác nhau, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đồng đều, thì cần có chiến lược thu hút FDI thích ứng với trình độ phát triển của các địa phương”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Thông tin cho biết, thu hút FDI bảo đảm phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo điều kiện liên kết và phát triển kinh tế vùng lãnh thổ, tái tạo và cải thiện môi trường, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các địa phương, các vùng miền là một trong những định hướng quan trọng trong thu hút FDI thời gian tới.
Cụ thể, Hà Nội và TP.HCM ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, hoạt động R&D, hình thành các trung tâm tài chính, công nghệ trong tương lai gắn với công nghiệp 4.0. Còn các địa phương đã thu hút được FDI khá lớn, như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương…, cần ưu tiên thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Các địa phương có trình độ phát triển thấp hơn thì coi trọng việc đầu tư vốn ngân sách và xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế hoặc tiếp nhận các dự án thâm dụng lao động về công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
Nguồn: baodautu.vn