Hội thảo về Nhà ở xã hội lần thứ hai 2018: “Nơi ở công nhân khu công nghiệp – Nhà ở, sinh kế và cộng đồng”
Tiếp nối thành công của Hội thảo về Nhà ở xã hội lần thứ nhất được tổ chức tháng 12/2016 với chủ đề “Bức tranh toàn cảnh về Nhà ở xã hội – Thách thức và Cơ hội”, ngày 12/12/2018, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng (NUCE) cùng phối hợp với Khoa Quy hoạch vùng và Đô thị, Đại học North Carolina (Hoa Kỳ) và Cty CP Đầu tư & Phát triển Công nghệ Đại học Xây dựng (NUCETECH) đồng tổ chức Hội thảo về Nhà ở xã hội lần thứ hai 2018 với chủ đề “Nơi ở công nhân khu công nghiệp – Nhà ở, sinh kế và cộng đồng”.
TS. Phạm Đình Tuyển – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, NUCE nhấn mạnh: Phát triển và quản lý nhà ở xã hội phải thực hiện một cách tổng thể, liên ngành và liên tục.
Tại Hội thảo, TS. Phạm Đình Tuyển – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, NUCE cho biết: Hội thảo khoa học về nhà ở xã hội (NƠXH) 2016 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về phát triển và quản lý NƠXH tại Việt Nam là rộng lớn, song mờ nhạt và còn nhỏ bé về giá trị.
Do đó, việc phát triển và quản lý NƠXH phải thực hiện một cách tổng thể, liên ngành và liên tục, bao gồm đồng bộ các phương hướng phát triển như: Ứng dụng cách làm mới với 4 mô hình phát triển mới (Mô hình phát triển NƠXH dạng đầu tư xây dựng tập trung, phi tập trung, dạng dân doanh và tự xây đơn lẻ); Ứng dụng các giải pháp quy hoạch, xây dựng, quản lý thích ứng và hiệu quả; Chú trọng đồng thời các hoạt động cư trú, sinh kế và hòa nhập cộng đồng; Ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho phát triển và quản lý NƠXH…
Hiện nay, nhu cầu NƠXH ngày càng lớn, đặc biệt là NƠXH cho công nhân khu công nghiệp (KCN). Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các KCN, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.
Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án NƠXH cho công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân; 72% nhu cầu còn lại sẽ tiếp tục hy vọng chờ giải quyết và tự giải quyết bằng mô hình thuê trọ.
Tại các trung tâm đầy tiềm năng như TP Hà Nội cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn TP Hồ Chí Minh mới giải quyết được khoảng 15% nhu cầu.
Vì vậy, mục tiêu chính của Hội thảo NƠXH lần thứ hai 2018 là tiếp tục góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình phát triển NƠXH của Nhà nước đã ban hành, thúc đẩy xã hội quan tâm trở lại vấn đề NƠXH.
Hội thảo tập trung bàn luận về NƠXH cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN, xác định và làm rõ các vấn đề có liên quan đến phát triển và quản lý nơi ở cho công nhân KCN. Nhà ở, sinh kế và cộng đồng sẽ tạo thành 3 trụ cột đảm bảo tính đồng bộ và bền vững của Chương trình phát triển và quản lý NƠXH.
Quang cảnh Hội thảo.
Khái quát việc làm, đời sống của lao động trong các doanh nghiệp và chủ trương xây dựng các thiết chế của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các KCN, TS. Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện công nhân và Công đoàn cho biết: Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 14,88 triệu công nhân lao động (CNLĐ) trong các loại hình doanh nghiệp, tăng 29,8% so với năm 2013, nhưng tăng không đồng đều giữa các ngành, loại hình doanh nghiệp.
Trong 05 năm qua, số lượng CNLĐ tăng khá nhanh, bình quân 5,49%/năm. Trong khi CNLĐ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, ngành nông – lâm – thuỷ sản giảm, thì CNLĐ trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ lại tăng nhanh.
Mặc dù có nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ được tạo ra, nhu cầu tuyển dụng lao động không ngừng tăng lên, nhưng hầu hết là việc làm sử dụng lao động phổ thông, với tiền lương, thu nhập khá thấp.
Trước thực trạng cơ sở hạ tầng phục vụ CNLĐ trong các KCN tập trung hiện nay, cùng với nhu cầu chính đáng và mong muốn của CNLĐ và các doanh nghiệp trong KCN, được sự ủng hộ của Nhà nước và các tỉnh, thành phố, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt và giao cho Công đoàn chủ trì thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN, khu chế xuất” bắt đầu từ năm 2017.
Nội dung cơ bản của Đề án là giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, huy động các nguồn lực của Công đoàn, Chính quyền các tỉnh, thành phố và các nguồn lực xã hội để xây dựng nhà ở, nhà trẻ, cơ sở giáo dục, y tế, nhà thuốc, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao và các công trình hạ tầng thiết yếu khác… tại các KCN, khu chế xuất nhằm quan tâm, tạo điều kiện nâng cao đời sống CNLĐ trong các KCN, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tất cả các KCN, khu chế xuất lớn trên cả nước đều có thiết chế của Công đoàn.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Mai đến từ Đại học North Carolina tại Chapel Hill, Hoa Kỳ cũng đã chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các chính sách của Hoa Kỳ về NƠXH. Bà nhấn mạnh: Chính sách NƠXH cần phải hết sức toàn diện dựa trên các phân tích dữ liệu và nghiên cứu uy tín; kết hợp với giáo dục, sức khỏe và gắn kết cộng đồng.
Được xây dựng đầu tiên vào những năm 1930, phát triển NƠXH của Mỹ là kết quả của mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Chính phủ liên bang và chính quyền địa phương.
Theo thời gian, chương trình NƠXH chuyển dịch từ việc hoàn toàn thuộc về cộng đồng sang mối quan hệ đối tác đa phương, gồm cả Nhà nước, tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận với sự phức tạp gia tăng cả ở liên tổ chức và nội bộ tổ chức. Kết quả là mối quan hệ công – tư xuất hiện trong mọi giai đoạn cung cấp NƠXH của Mỹ.
Hơn nữa, phân cấp như vậy đã cho phép các cơ quan NƠXH địa phương thực hiện các chính sách và giải pháp thực tiễn theo điều kiện cụ thể của từng khu vực, có khả năng mang lại hiệu quả cao hơn và cung cấp nhà ở, các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến nhà ở có chất lượng cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Mai cũng đã giới thiệu một chương trình nhà ở được Cơ quan quản lý Nhà ở Charlotte, thường được biết đến với tên HOPE VI, nêu bật các sáng kiến hiện tại trong mối quan hệ đối tác công – tư trong việc cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp.
Với mục tiêu đưa ra chương trình hành động “Tạo lập nơi ở cho NLĐ trong các KCN gắn với nhà ở, sinh kế và cộng đồng”, các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học đã có buổi thảo luận chuyên sâu về các mô hình nhà ở cho công nhân; xây dựng sổ tay hướng dẫn sinh kế cho người lao động; các giải pháp phát triển cộng đồng; chuyển đổi cho việc quản lý NƠXH, nhà ở công nhân và lập khung chương trình hành động.
Nguồn: baoxaydung.com.vn