“HIỂM HỌA KÉP” khiến các nhà thầu xây dựng điêu đứng trong Quý 3/2021
Điều gì đã khiến phần đông số lượng nhà thầu xây dựng cũng như các chủ đầu tư phải lâm vào tình trạng điêu đứng trong quý 3/2021? Giá sắt thép, vật tư leo thang cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã và đang tạo thành “hai mối hiểm họa lớn”, tiếp tục tác động đến ngành xây dựng nói chung và lĩnh vực xây dựng nhà xưởng, nhà công nghiệp nói riêng. Câu hỏi được đặt ra, đâu sẽ lối thoát hợp lý để các đơn vị xây dựng và chủ đầu tư vượt qua vấn đề “hiểm hoạ kép” đầy khó khăn này?
Tình trạng giá sắt thép vật tư tăng quá nhanh đã khiến thị trường ngành xây dựng nói chung và lĩnh vực thi công nhà xưởng, nhà công nghiệp nói riêng “chao đảo”
Thực tế đã cho thấy, tình hình giá sắt thép đã có biến động vô cùng lớn từ thời điểm tháng 10/2020 và cho đến hiện tại năm 2021 vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá cả ngành thép bùng nổ, mang đến rất nhiều sự quan ngại, lo lắng trực tiếp đối với các nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư và đặc biệt là những đơn vị thi công nhà xưởng.
Tuy vậy, theo ý kiến của các chuyên gia Bank of America, tình trạng giá cổ phiếu thép tăng như thế này chỉ có thể diễn ra trong thời gian ngắn hạn, phù hợp để gọi với cái tên “tình trạng bong bóng”. Giá thép đã tăng cao kỷ lục so với mức trung bình trong suốt khoảng 20 năm qua đã đủ tạo lí do để giá cổ phiếu ngành thép cũng đi theo xu hướng “đụng trần”, điều này chắc chắn mang đến nhiều khó khăn hơn trong tương lai đối với ngành xây dựng.
Giá sắt thép tăng cao trong thời gian dài, đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là các đơn vị nhà thầu xây dựng, đặc biệt với nhà thầu thuộc lĩnh vực nhà xưởng, nhà công nghiệp. Không chỉ dừng lại ở đó, việc giá sắt thép liên tục tăng kéo theo sự ảnh hưởng của giá vật liệu xây dựng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính chính xác của việc dự toán công trình khiến cho giá dự thầu đưa ra ban đầu không còn phù hợp. Riêng các đơn vị đầu tư, nhìn vào mức giá vật liệu xây dựng không có dấu hiệu suy giảm thì việc quyết định đầu tư xây dựng lúc này, có lẽ chưa phải là nước đi sáng suốt, ảnh hưởng chung đến ngân sách ban đầu đưa ra. Vậy theo đúng tâm lý, đâm đầu xây dựng vào lúc này, chỉ càng “thiệt đơn, thiệt kép”.
Song song với vấn đề giá sắt thép, vât liệu xây dựng tăng nhanh thì tình hình dịch bệnh cũng đang ngày một căng thẳng tại Việt Nam
Việt Nam đang đối mặt với tình hình dịch bệnh hoành hành trở lại, vắc-xin khan hiếm đang là điều mà chúng ta vẫn chưa có thể đảm bảo đáp ứng đầy đủ liều lượng cho cả nước. Các ổ dịch mới cũng đang hình thành rất nhanh chóng và tập trung nhiều ở khu vực hai miền Bắc – Nam nước ta. Càng khó để kiểm soát hơn, khi sự xuất hiện của nhiều biến chủng dịch bệnh luôn là mối đe dọa hết sức nguy hiểm. Nguy hiểm nhất phải kể đến các khu công nghiệp, nơi tập trung đông số lượng công nhân ẩn chứa rất nhiều sự lo lắng. Lại một vấn đề đựợc đưa ra, làm cách nào để đảm bảo năng suất hoạt động của các ngành nghề, duy trì kinh tế, nhưng vẫn thực hiện tốt quy định giãn cách của Nhà nước trong công cuộc phòng chống dịch bệnh.
Chúng ta đã thấy sự khó khăn như thế nào trong 3 đợt dịch đầu tiên tại Việt Nam, tác động lớn rất nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Giờ đây sẽ lại càng khó khăn hơn rất nhiều bởi các chủ đầu tư không còn quá “mặn mà” trong việc tham gia vào thị trường Việt Nam, khi tình hình dịch bệnh hoành hành. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để các nhà nhầu canh tranh lành mạnh để có được 1 dự án trong mùa dịch? Làm sao để đủ nhân lực? Làm thế nào để đảm bảo tiến độ của các dự án đang thực hiện?. “Chủ đầu tư lo 1, đơn vị nhà thầu lo 10”, vì bên cạnh nỗi lo về giá vật liệu xây dựng leo thang, vẫn còn đó sức ép về nhân lực và yêu cầu hoàn thành tiến độ trong giai đoạn yêu cầu giãn cách xã hội này.
Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã và đang gặp nhiều biến động
Có ý kiến cho rằng, giá thép và giá vật tư tăng, xuất phát từ nhu cầu sử dụng quá nhiều, đòi hỏi nguồn nguyên liệu sản xuất phải luôn trong tình trạng sản xuất không ngừng, dẫn đến việc giá thành tăng lên cao hơn so với cuối năm trước. Đó là một trong rất nhiều lí do để giải thích cho vấn đề giá sắt thép tăng nhanh này. Và khi giá thép nói riêng cũng như giá vật tư nói chung tiếp đà leo thang kéo dài, việc các nhà thầu sẽ lâm vào tình cảnh điêu đứng, tệ hơn là nguy cơ sụp đổ khỏi thị trường xây dựng Việt Nam rất dễ xảy ra.
Với các đơn vị thi công nhà xưởng, nhà công nghiệp, sắt thép chiếm vị trí không nhỏ, quyết định đến sự ổn định cho một công trình. Theo thống kê, con số này đã lên tới 25 – 30% tổng vật tư tại công trường. Thực tế giá thép đã tăng khoảng 2 lần so với cùng kì năm ngoái, thử làm một phép tính sơ bộ ta có thể thấy được các nhà thầu đã phải chịu lỗ khoảng 15 – 20% so với giá trúng thầu dự án, đôi khi là nhiều hơn thế nữa.
Mọi chuyện cứ tiếp diễn theo chiều hướng này thì nếu nhà thầu báo giá cho các chủ đầu tư, một cái “lắc đầu” là điều rất dễ nhận được. Và rồi hệ lụy cũng sẽ như bao lần khác, cạnh tranh về giá cả lại tiếp tục là đề tài được đưa ra giữa các nhà thầu. Từ đó việc thiếu sự minh bạch, chất lượng không đảm bảo, gây mất lòng tin cho chủ đầu tư.
Người chịu thiệt ở đây không ai khác là các nhà thầu xây dựng. Với những đơn vị không chịu thay đổi tư duy, chấp nhận tiếp tục đi theo phong cách truyền thống, việc tự gây khó khăn cho mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa dừng lại ở đó, tình hình dịch bệnh một lần nữa lại quay trở lại tại Việt Nam, dự báo thị trường xây dựng lại gặp nhiều biến động. Các dự án đang trong kế hoạch triển khai đồng loạt đưa ra tín hiệu tạm dừng, nhân lực không đảm bảo, dẫn đến kết quả tiến độ không đi đúng như kế hoạch ban đầu.
Với ngành xây dựng mà nói, giá vật liệu xây dựng tăng cao, kết hợp cùng tình hình dịch bệnh bùng phát, điều này đã tạo nên sức ép to lớn cho các nhà thầu. “Hiểm họa kép” trong xây dựng là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian sắp tới, hứa hẹn những cuộc cạnh tranh khốc liệt cho các đơn vị nhà thầu với nhau. Đặc biệt hơn, ngành xây dựng Việt Nam lại đứng trước nguy cơ đánh mất sự tăng trưởng như trong khoảng thời gian cuối năm 2021.