Hết thời đổ tỷ đô vào điện mặt trời chỉ để “làm cảnh”
Đổ tỷ USD vào điện mặt trời
Sau nhiều năm chờ đợi, thị trường quang điện vừa đón nhận một tin quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Quyết định này đang tạo ra một cơn địa chấn trong giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường điện Việt Nam. Đặc biệt, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá 9,35 cent/kWh.
.Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) vừa chính thức công bố sẽ chi khoảng 1 tỷ USD để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. TCC đã nhắc tới thông tin này tại Hội nghị khách hàng ngành năng lượng của Tập đoàn tại TP. HCM, trước hàng loạt đối tác chiến lược như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (AAM), Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) và nhiều ngân hàng lớn trong nước. Trong số này, IFC và AAM đang nắm giữ lần lượt 15,95% và 20,05% tại Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã: GEG) và sẽ tiếp tục cùng TTC thực hiện các dự án điện mặt trời trong thời gian tới.
Ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc TTC cho biết, Tập đoàn đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (324MW), Bình Thuận (300MW), Ninh Thuận (300MW), Huế (30MW), Gia Lai (49MW)… với suất đầu tư tối đa 20 tỷ đồng/MW, IRR đạt từ 15% trở lên, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm. Các dự án này bắt đầu khởi công vào quý IV năm 2017. Tập đoàn TTC góp 30% vốn, phần còn lại huy động từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Trước đó, TTC cũng đã đầu tư vào điện mặt trời dù quy mô còn dừng ở mức thử nghiệm, như điện mặt trời mái nhà trên 1,2 MW tại các văn phòng, nhà hàng nổi, khách sạn… của một số đơn vị thành viên. Ngoài ra, TTC đã đưa vào sử dụng điện mặt trời trong nông nghiệp với sản phẩm là xe Solar Pump phục vụ cho việc tưới tiêu nông nghiệp tại Nông trường Mía đường Nước Trong; hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời tại Công ty cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang.
Ngoài ông lớn TTC, hiện có hơn 30 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bắt đầu lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến hơn 300 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung.
Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Thiên Tân đang đầu tư xây dựng 2 dự án nhà máy điện mặt trời tại Quảng Ngãi và Ninh Thuận. Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc) đầu tư 66 triệu USD cho nhà máy công suất 30 MW tại Bình Thuận.
Một số nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ cũng đăng ký đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời ở Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Hậu Giang. Một số nhà đầu tư của Đức, Thái Lan đang nghiên cứu khả năng đầu tư tại Quảng Trị, Bình Định.
EVN cũng vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận về việc đầu tư dự án năng lượng mặt trời với công suất 200 MW trên diện tích 400 ha tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, dự kiến tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, khởi công năm 2018 và năm 2019 đi vào hoạt động.
Mới đây, tỉnh Ninh Thuận đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Sinenergy Holdings, thuộc Tập đoàn SHS Holdings Singapore, về việc đầu tư nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời 300 MW, kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Hữu (Ninh Phước) trên diện tích 832 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án này khoảng 7.920 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2019.
Lộ diện M&A
Theo ông Trần Vinh Dự, Phó tổng giám đốc, phụ trách tư vấn M&A của Ernst&Young Việt Nam (E&Y Việt Nam), có nhiều lý do để các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong giai đoạn này.
Thứ nhất, theo lộ trình cải tổ thị trường điện của Việt Nam, chỉ còn mấy năm nữa là lĩnh vực này sẽ không còn tồn tại tình trạng “thị trường một người mua”- cụ thể là EVN- như hiện nay. Giá điện vì thế sẽ dần dần vận hành theo cơ chế thị trường. Sân chơi ngành điện sẽ rộng hơn, giá điện được dự đoán sẽ tăng lên trong tương lai để phản ánh đúng quy luật cung – cầu.
Thứ hai, với điện mặt trời, Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg yêu cầu EVN sẽ mua từ các dự án điện mặt trời. Đã nhiều năm nhà đầu tư không thể đầu tư vào lĩnh vực này, vì nếu có làm thì cũng không bán điện được cho EVN do không có hướng dẫn của Chính phủ về giá điện. Tới nay, sau khi quyết định này được công bố, EVN có thể ký các hợp đồng mua điện với các dự án điện mặt trời, tạo đầu ra cho các dự án này, qua đó khai thông nút thắt tồn tại bấy lâu trong lĩnh vực điện mặt trời.
Cuối cùng, những năm gần đây đã có sự tiến bộ rất nhanh về công nghệ sản xuất thiết bị trong lĩnh vực điện mặt trời. Hiệu suất của thiết bị ngày càng tốt lên, đi kèm với đó là chi phí sản xuất lại giảm rất mạnh. Điều này khiến lĩnh vực điện mặt trời nếu trước đây chỉ để “làm cảnh”, thì nay đã thực sự trở thành lĩnh vực có khả năng sinh lời cao và bền vững cho các nhà đầu tư. Đây là cơ hội để các thương vụ M&A trong lĩnh vực này lộ diện.
Ông Dự cũng chia sẻ, hiện E&Y Việt Nam đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này đến từ Bắc Mỹ, châu Á, Tây Âu. Khi tìm đối tác để M&A trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư đều đặt ra nhiều tiêu chí, trong đó, tiêu chí về bức xạ tốt là quan trọng nhất.
Các dự án phải nằm tại các địa bàn có mức độ bức xạ mặt trời cao nhất. Miền Bắc Việt Nam không có lợi thế về điểm này, nên hầu như không được quan tâm. Chủ yếu các dự án nằm ở miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Đặc biệt, giới đầu tư cũng yêu cầu các dự án phải sạch, tình trạng pháp lý rõ ràng.
“Nhiều dự án mà chúng tôi tìm hiểu vẫn đang ở trong tình trạng rất sơ khai, nằm trên giấy, mà cũng chỉ ở dạng chủ trương sơ bộ, vì thế khó thu hút được vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài được”, ông Dự cho biết.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng bày tỏ mong muốn cần tìm đối tác trong nước đủ tin cậy. Điều này rất quan trọng vì các nhà đầu tư nước ngoài đều hiểu vai trò quan trọng của đối tác địa phương trong lĩnh vực này. Theo ông Dự, doanh nghiệp trong nước đã từng hoạt động trong ngành điện, đặc biệt là có các dự án đã đấu nối và phát điện, thường được ưa chuộng hơn vì được coi là có kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ rộng trong ngành so với các doanh nghiệp mới vào ngành.
“Vì là các thương vụ đầu tư, việc soát xét về tài chính và pháp lý là điều các nhà đầu tư luôn phải làm. Vì thế, họ chuộng các công ty có sự minh bạch, rõ ràng cả về sổ sách cũng như quy trình quản lý, vận hành”, ông Dự cho biết thêm.
Rõ ràng, cũng không dễ trả lời câu hỏi để lĩnh vực đầy tiềm năng này đem lại những món hời thì các bên cần có những toan tính như thế nào.
Ở góc độ chuyên gia tư vấn, ông Dự phân tích, từ phía nhà nước vấn đề quan trọng nhất là giữ đúng lộ trình cải tổ ngành điện mà Chính phủ đã công bố từ nhiều năm nay. Nếu không thể thực hiện đúng được lộ trình, thì cũng cần phải công bố trước một cách rõ ràng những thay đổi cả về mốc thời gian cũng như nội dung điều chỉnh. Điều này nhằm tạo sự minh bạch về cơ chế quản lý, để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này có thể chủ động về kế hoạch kinh doanh, đầu tư.
Một điều rất rõ là không ai muốn kinh doanh trong một môi trường mà các quy định về quản lý không đủ minh bạch, cam kết của chính phủ không đáng tin, hoặc có thể có những thay đổi về chính sách quá bất thường, giật cục.
Thêm nữa, quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư là thời điểm. Hiện đang là thời điểm rất tốt để cùng nhau rót vốn vào lĩnh vực năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư trong nước là cấu trúc tài chính. Theo ông Dự, các dự án điện, kể cả điện mặt trời, là các dự án dài hạn và ổn định về dòng tiền, nhưng lại không phải là các dự án có lợi nhuận đột biến, vì thế cần kỷ luật tài chính rất chặt, đặc biệt là việc tránh sử dụng các khoản vay ngắn hạn để tài trợ các dự án này.
Nguồn: bvsc