Heineken ‘rục rịch’ đón nhà máy bia hơn 550 triệu USD sau khi đóng cửa tại Quảng Nam
Heineken Việt Nam vừa qua đã xác nhận đóng cửa một nhà máy bia tại tỉnh Quảng Nam – nhà máy nhỏ nhất về quy mô của hãng.
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nhà máy bia của Heineken Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ.
Khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích hơn 39,3ha, gồm các chức năng chính như: Khu hành chính, dịch vụ; Khu nhà máy, kho tàng; Khu hạ tầng kỹ thuật; cây xanh; giao thông, sân bãi. Nhà máy có công suất 1.600 triệu lít/năm.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Heineken đang có một nhà máy bia ở huyện Tân Thành, hoạt động từ năm 2017, cũng là nhà máy bia lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á của hãng bia này.
Theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 18, tổng vốn đầu tư dự án công suất 1,6 tỷ lít/năm là gần 12.600 tỷ đồng (tương đương 540,6 triệu USD), được lấy toàn bộ từ vốn góp bằng tiền từ nhà đầu tư, trong đó công ty đã góp đủ, hoàn tất tính đến năm 2022 là 7.033 tỷ đồng, còn lại sẽ hoàn tất góp trong 2024-2026.
Heineken Việt Nam gần đây đã quyết định tạm ngừng hoạt động nhà máy bia tại chi nhánh Quảng Nam. Đây là nhà máy này nhỏ nhất về quy mô trong số 6 nhà máy của hãng này, công suất đến năm 2022 là 110 triệu lít/năm. Nhà máy hoạt động tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn) từ năm 2007 trên diện tích 7,6ha.
Trước đó, ngày 5/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã chuyển kiến nghị về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đến Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị, tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính (thay UBND tỉnh) theo quy định.
Theo Heineken Việt Nam, việc tăng thuế suất trong giai đoạn hiện tại cần được xem xét một cách thận trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái kéo dài, việc tăng thuế ngay lập tức có thể khiến tình hình trở nên khó khăn hơn, khi người dân và doanh nghiệp chưa kịp hồi phục hoàn toàn.
Khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, giá hàng hóa sẽ tăng theo, kéo theo việc giảm sản lượng tiêu thụ. Kết quả là gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như thất thu thuế cho Chính phủ, đóng cửa các nhà máy sản xuất và gia tăng thất nghiệp trong ngành.
Heineken Việt Nam cho rằng, để đảm bảo công bằng và hợp lý của biểu thuế và tính thống nhất giữa các Luật thuế TTĐB và Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ Tài chính cần xem xét lại mức thuế áp dụng cho các sản phẩm đồ uống có cồn sao cho phù hợp với nồng độ cồn của từng loại.
Liên quan đến bản thảo Luật thuế TTĐB, Heineken Việt Nam có 3 kiến nghị về tách biểu thuế TTĐB hiện tại; lộ trình tăng thuế, chiến lược cải cách thuế lâu dài.
Nguồn: nguoiquansat.vn