Hệ sinh thái của ông chủ đứng sau Khu đô thị Nam Đà Lạt hơn 1 tỷ USD
Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tổng diện tích thực hiện là hơn 3.595 ha, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2010 – 2018. Song, đến cuối năm 2022, vấn đề pháp lý tại dự án vẫn chưa dứt điểm.
Hệ sinh thái của ông chủ khu đô thị tỷ đô tại Lâm Đồng
Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (hay còn gọi là Khu đô thị Nam Đà Lạt), nằm tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư.
Sài Gòn – Đại Ninh được thành lập vào tháng 1/2010, địa chỉ trụ sở đặt tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ban đầu, doanh nghiệp có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group) sở hữu 85% vốn.
Từ tháng 8/2016, phần vốn góp của Công ty Phương Nam được chuyển sang cho bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn – Đại Ninh nắm giữ. Bà Hoa cũng là cổ đông lớn sở hữu 92% vốn và giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại Phương Nam Group.
Tháng 10/2017, Sài Gòn – Đại Ninh tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Khi đó, bà Hoa nắm giữ 88,5% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Đến tháng 1/2021, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Sài Gòn – Đại Ninh của bà Hoa được chuyển sang cho ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970). Hiện, ông Trí vẫn đang là người đại diện pháp luật của Sài Gòn – Đại Ninh.
Trên thị trường, ông Trí được biết đến là người đứng đầu hệ sinh thái Capella Holdings, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar; Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall; hệ thống nhà hàng San Fu Lou (Hoa), Sorae (Nhật), Dì Mai (Việt Nam).
Năm 2020, ông Trí cũng từng gây chú ý với đề xuất hàng loạt dự án hơn 65.000 tỷ đồng tại Quảng Ninh, thông qua Bến Thành Holdings Group.
Mặt khác, ông Trí cũng là thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex, mã chứng khoán: KHA), doanh nghiệp sở hữu loạt dự án tại quận 4, TP HCM như Trung tâm thương mại kết hợp cao ốc văn phòng cho thuê (tên cũ là Khanh Hoi Plaza) tại số 360 – 360D Bến Vân Đồn; Trung tâm thương mại tại số 68 – 74 Nguyễn Tất Thành, hợp tác với CTCP Cảng Sài Gòn; Cao ốc văn phòng làm việc tại số 2-4-6 Đoàn Nhữ Hải.
Khahomex cũng là doanh nghiệp trúng đấu giá khu đất tại 245/16B Hòa Bình, phường Tân Hiệp, quận Tân Phú, TP HCM. Khu đất có diện tích 0,6 ha, đã được Sacombank thông báo bán đấu giá hồi tháng 9/2020 để xử lý nợ xấu.
Bên cạnh các thương hiệu, dự án kể trên, ông Trí cũng đang đồng thời đứng tên tại Trường Đại học Văn Lang, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang, Công ty TNHH Văn Lang Healthcare, Công ty TNHH US Talent International-uti.
Ngoài ra, ông Trí cũng tham gia vào ngành sữa và từng là Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật CTCP Lothamilk; hay từng tham gia lĩnh vực ngân hàng khi góp mặt trong HĐQT Saigonbank, lĩnh vực thể thao khi làm Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển bóng đá Sài Gòn, chủ quản của Sài Gòn FC.
Khu đô thị Nam Đà Lạt đang triển khai đến đâu?
Nói thêm về dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt trên, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 10/2010. Tổng diện tích thực hiện là hơn 3.595 ha, trong đó đất rừng hơn 1.306 ha, đất ngoài lâm nghiệp hơn 329 ha và lòng hồ gần 1.960 ha.
Theo kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án là trong khoảng từ năm 2010 – 2018, thuộc diện miễn giấy phép xây dựng và đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2011.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai rầm rộ, hàng loạt các hạng mục chính vẫn chưa được xây dựng.
Tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ đã công khai Kết luận thanh tra số 929 với nội dung yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với ba dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt.
Sau kết luận này, chủ đầu tư dự án, Sài Gòn – Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án.
Đến tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ thông báo rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án này. Cơ quan đề nghị tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn Sài Gòn – Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án, gia hạn tiến độ và chủ đầu tư khẩn trương triển khai theo quy mô đã được phê duyệt.
Đến tháng 10 và 11/2022, tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc họp để thống nhất thủ tục, giá giao đất cho dự án và có văn bản về việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất để tính tiền sử dụng đất tại dự án giai đoạn 1.
Tại thời điểm cuối tháng 11/2022, báo cáo cập nhật tiến độ của UBND huyện Đức Trọng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ xây dựng phương án giá đất tính thu tiền sử dụng đất đối với diện tích thực hiện dự án.
Đồng thời, UBND huyện đang cùng các sở ngành hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý sau khi tỉnh chấp thuận được tiếp tục thực hiện dự án, điều chỉnh dự án và gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng.
Nguồn: vietnammoi