HDBank dành 7.000 tỷ đồng cho vay các dự án điện mặt trời
Cơn sốt điện mặt trời ở Việt Nam đang kéo theo cuộc chạy đua cung cấp tín dụng cho các dự án này giữa các ngân hàng.
Ngày 8/10, Ngân hàng Phát triển TP.HCM – HDBank thông báo triển khai chương tình Tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020 với quy mô khoảng 7.000 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết sẽ ưu tiên các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020. Đặc biệt, HDBank ưu tiên các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019.
Riêng các dự án tại Ninh Thuận, ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay các dự án có công suất thiết kế lớn (2.000 MW) đã được Chính phủ chấp thuận triển khai và có khả năng đấu nối trước 31/12/2020.
Điều kiện khách hàng phải có vốn chủ sở hữu từ 150 tỷ đồng trở lên và tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu vào dự án tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư. Ngân hàng cũng yêu cầu toàn bộ nguồn thu từ dự án chuyển về tài khoản thanh toán của khách hàng tại HDBank.
Các chủ đầu tư dự án điện mặt trời sẽ được vay vốn để bổ sung vốn đầu tư xây dựng nhà máy hoặc bù đắp các khoản vốn đã đầu tư xây dựng. Ngân hàng sẽ cho vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư của dự án với thời giạn không vượt quá 12 năm.
Để bảo đảm tiền vay, HDBank yêu cầu ký hợp đồng thế chấp song phương đối với tài sản bảo đảm là nhà máy điện mặt trời, bao gồm các quyền phát sinh từ hợp đồng thuê đất, tài sản hình thành trong tương lai trên đất…Dự án cũng phải ký hợp đồng thế chấp song phương với ngân hàng đối với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng mua bán điện giữa khách hàng với EVN.
Ngoài ra trong chương trình này, HDBank còn tài trợ cho các nhà thầu tham giá xây dựng các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Trước đó, một số ngân hàng lớn đã trở thành nhà tài trợ vốn cho các dự điện mặt trời như Vietinbank tài trợ 1.000 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh. Dự án có quy mô 68,8 MW và tổng đầu tư 1.600 tỷ đồng.
Tháng trước, Vietcombank cũng ký hợp đồng tín dụng với công ty Đại Hải, chủ đầu tư dự án điện mặt trời Srêpok tại Đắk Lắk. Dự án này có tổng giá trị đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
Agribank cũng tham gia tài trợ cho các dự án điện mặt trời với việc cho vay 490 tỷ đồng tại dự án điện mặt trời Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Dự án có công suất 35MW, tổng đầu tư 838 tỷ đồng do Công ty Điện Gia Lai làm chủ đầu tư.
Điện mặt trời tạo nên cơn sốt tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Đặc biệt từ giữa năm ngoái sau khi có quy định về giá bán điện là 9,35 Uscent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh), cao hơn đáng kể so với giá hiện tại từ 1.500 đến 1.700 đồng/kWh.
Nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này như BIM Group, TTC Group, Xuân Cầu, Bamboo Capital, TTVN Group…bên cạnh EVN. Ước tính tổng công suất các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được đăng ký đầu tư lên tới 17.000 MW vào cuối năm ngoái.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm lớn đến thị trường điện mặt trời của Việt Nam. Gần đây các tập đoàn Thái Lan, Hàn Quốc liên tục chi tiền mua cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam tạo ra một làn sóng đầu tư mới.
Cùng với nhu cầu điện gia tăng, chi phí đầu tư cho điện mặt trời ngày càng giảm đã thúc đẩy các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đổ tiền vào lĩnh vực này ở Việt Nam. Chính phủ cũng đang nỗ lực đưa năng lượng mặt trời trở thành nguồn phát điện quan trọng của cả nước.
Trong quy hoạch điện mới nhất, Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời vào năm 2020 là 850 MW, 2015 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW.
Nguồn: theleader.vn