Hậu Giang phát triển khu – cụm công nghiệp để thu hút đầu tư

Trong giai đoạn 2021- 2030, tỉnh Hậu Giang định hướng quy hoạch phát triển 7 khu công nghiệp mới, với tổng diện tích 1.741 ha.

Tâm điểm thu hút đầu tư

Tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch và đầu tư xây dựng 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp tập trung và Trung tâm Điện lực Sông Hậu, với quy mô diện tích khoảng 1.138 ha.

Cụ thể, Khu công nghiệp Sông Hậu – giai đoạn I có diện tích 291 ha, tỷ lệ lắp đầy 100%; Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh – giai đoạn I, diện tích 201 ha, tỷ lệ lắp đầy khoảng 80%; Cụm công nghiệp Phú Hữu A – giai đoạn I, diện tích 121 ha, tỷ lệ lắp đầy 100%; Cụm công nghiệp Phú Hữu A – giai đoạn III, diện tích 50 ha, tỷ lệ lắp đầy 100%; Cụm công nghiệp Đông Phú – giai đoạn I, diện tích 120 ha, tỷ lệ lắp đầy 23%; Trung tâm Điện lực Sông Hậu, diện tích 355 ha, tỷ lệ lắp đầy 70%.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung của tỉnh Hậu Giang được quy hoạch xây dựng tiếp giáp với TP. Cần Thơ, thuận lợi về giao thông thủy, bộ.

Về đường bộ, các khu, cụm công nghiệp này tiếp giáp với các tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu, Quốc lộ 1, Quốc lộ 61C…

Về đường thủy, tiếp giáp với sông Hậu, sông Ba Láng, kênh xáng Xà No, liền kề hệ thống Cảng biển quốc tế Cái Cui (Cần Thơ), Cảng VIMC Hậu Giang (trong Khu công nghiệp Sông Hậu), có thể tiếp nhận tàu 10.000 – 20.000 tấn, thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Về đường hàng không, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Hậu Giang chỉ cách Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khoảng 20 km.

Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, phát triển công nghiệp và đặc biệt là phát triển sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh vị trí thuận lợi, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Hậu Giang nằm trên vùng nguyên liệu nông sản, thủy – hải sản phong phú, đa dạng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (lúa, cây ăn trái như khóm, xoài, bưởi, mít, chuối; tôm, cá tra, cá thát lát…). Đây là lợi thế lớn để thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Đặc biệt, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Hậu Giang đều nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nên được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung là tâm điểm thu hút đầu tư, giải quyết số lượng lớn lao động trong tỉnh và vùng lân cận. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Hậu Giang, lũy kế đến tháng 5/2023, có 75 doanh nghiệp thực hiện 77 dự án đầu tư (trong đó có 13 dự án đầu tư nước ngoài) tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, với tổng vốn đầu tư trong nước 78.227 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài 3.850,6 triệu USD. Trong số này, có 54 dự án đầu tư đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 26.000 lao động và 23 dự án đang giải phóng mặt bằng, xây dựng.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung đã có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang. Riêng trong năm 2022, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) 35.469,56 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu là 615,85 triệu USD (chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh); nộp ngân sách 1.456,03 tỷ đồng (chiếm hơn 24% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh).

Tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư

Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Hậu Giang cho biết, trong giai đoạn 2021- 2030, tỉnh định hướng quy hoạch phát triển 7 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.741 ha.

Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 phát triển mới 3 khu công nghiệp, với diện tích khoảng 784 ha, gồm Khu công nghiệp Đông Phú (xã Đông Phú, huyện Châu Thành), diện tích khoảng 120 ha; Khu công nghiệp Sông Hậu 2 (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành), diện tích khoảng 430 ha; Khu công nghiệp Đông Phú 2 (xã Đông Phú, huyện Châu Thành), diện tích khoảng 234 ha.

Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục quy hoạch phát triển thêm 4 khu công nghiệp mới với diện tích 957 ha, gồm Khu công nghiệp Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A), diện tích 252 ha; Khu công nghiệp Tân Hòa (huyện Châu Thành A), diện tích 205 ha; Khu công nghiệp Tân Bình (huyện Phụng Hiệp), diện tích 210 ha; Khu công nghiệp Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp), diện tích 290 ha.

Tầm nhìn giai đoạn 2031 – 2050, định hướng phát triển mới 7 khu công nghiệp với diện tích khoảng 7.200 ha, gồm Khu công nghiệp Phú Tân (huyện Châu Thành), diện tích 890 ha; Khu công nghiệp Phú Hữu (huyện Châu Thành), diện tích 1.100 ha; Khu công nghiệp Tân Phước Hưng (huyện Phụng Hiệp), diện tích 1.160 ha; Khu công nghiệp Tân Bình II, diện tích 80 ha; Khu công nghiệp Tân Bình III, diện tích 1.000 ha; Khu công nghiệp Bình Thành (huyện Phụng Hiệp), diện tích 1.250 ha; Khu công nghiệp Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), diện tích 1.000 ha.

Về phát triển cụm công nghiệp tập trung, theo Phương án Phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2021- 2025 dự kiến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 10 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 548,05 ha; giai đoạn 2026 – 2030 không phát triển thêm cụm công nghiệp, mà tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, đồng thời mở rộng Cụm công nghiệp Vị Bình (huyện Vị Thủy) từ 50 ha lên 71 ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp, với diện tích 569,05 ha. Giai đoạn 2031 – 2050, toàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp, với diện tích là 907,63 ha, bao gồm 10 cụm công nghiệp hiện hữu và phát triển thêm 5 cụm công nghiệp mới.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, Hậu Giang tập trung thực hiện tốt chính sách đất đai; tái định cư, ổn định đời sống đối với các hộ dân bị thu hồi đất; tăng cường thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường; đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu thị trường; định hướng phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ các khu công nghiệp.

Tập trung nguồn lực tạo quỹ đất sạch, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, tạo ưu thế cạnh tranh và đón bắt hướng dịch chuyển đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, quan tâm đầu tư các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Song song với việc thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh Hậu Giang đồng thời quy hoạch xây dựng các khu đô thị – dịch vụ, tái định cư, dân cư, nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp tại các vị trí trên địa bàn quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung.

Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu công nghiệp

Để tăng hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, UBND tỉnh Hậu Giang đã có Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 17/10/2022 về việc ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào khu công nghiệp, yêu cầu vốn sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án tối thiểu là 20% (đối với dự án có diện tích dưới 20 ha) và 15% (đối với dự án có diện tích từ 20 ha trở lên) tổng mức đầu tư dự án; ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu cao hơn.

Về tiêu chí đóng góp ngân sách, dự án đầu tư có đóng góp vào ngân sách tỉnh từ 10 tỷ đồng/năm/ha sau thời gian ưu đãi thuế (ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư đóng góp cao nhất và sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương từ 70% trở lên). Suất đầu tư dự án là từ 50 tỷ đồng/ha trở lên (trừ ngành kho bãi).

Dự án đầu tư có phương án quản lý, bảo vệ môi trường khả thi và thân thiện môi trường; ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, sử dụng lao động có tay nghề cao (ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương).

Nhà đầu tư đạt được các tiêu chí trên và phù hợp ngành nghề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì được cơ quan đăng ký đầu tư xem xét thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo quy định.

Đối với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, vốn sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo tối thiểu từ 15% tổng mức đầu tư dự án.

Về kinh nghiệm, nhà đầu tư đã triển khai ít nhất một dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tương đương tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM và đã lấp đầy 60% trở lên; có khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp (phù hợp quy hoạch, ngành nghề), đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhà đầu tư đáp ứng danh mục quy hoạch ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào khu công nghiệp gồm các ngành, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy công cụ, máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy chế biến thực phẩm, thiết bị tưới tiêu; sản xuất, chế biến sản phẩm từ lương thực, thực phẩm; chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản; sản xuất sản phẩm đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ uống; công nghệ chế biến, chế tạo khác; ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp; sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô và các ngành cơ khí khác; dịch vụ hậu cần logistics…/.

Nguồn: moitruongvadothi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo