Hãng smarthome Việt khánh thành nhà máy IoT 100 tỷ
VĨNH PHÚC- Nhà máy sản xuất thiết bị IoT – smarthome Lumi Smart Factory có quy mô 6.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, khánh thành ngày 20/4 sau hai năm khởi công.
Lumi Smart Factory đặt tại trung tâm khu công nghiệp Thăng Long 3, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đi vào hoạt động từ tháng 8/2023, bên cạnh việc sản xuất các thiết bị smarthome, thiết bị lighting cho Lumi Việt Nam, nhà máy mở rộng kinh doanh các lĩnh vực ODM, OEM, EMS cho đối tác trong nước, quốc tế.
Theo đại diện hãng, công suất thiết kế hàng năm đạt một triệu thiết bị smart home; 500.000 sản phẩm smart lighting và hàng triệu thiết bị IoT khác. Từ mạch PCBA tại nhà máy đến mọi sản phẩm IoT, smarthome hoàn thiện đều đảm bảo độ chính xác, tin cậy, hoạt động ổn định và thẩm mỹ.
Bên trong nhà máy gồm nhiều phân khu với công nghệ cao, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Hãng đầu tư cho các dây chuyền sản xuất SMT, DIP hệ thống máy in thiếc hàn, máy gắp linh kiện, máy kiểm tra 3D tự động của Yamaha – thương hiệu top đầu Nhật Bản; lò hàn chất lượng cao Heller của Mỹ và các vật tư, thiết bị phụ trợ khác của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Đức Tài – CEO Lumi Việt Nam cho biết nhà máy cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế trọn gói, chuỗi cung ứng đa dạng và đội ngũ nhân sự chuyên môn cao. Đơn vị đã tư vấn và thiết kế sản phẩm cho nhiều đối tác nước ngoài như Etec (Israel), Hogar Control (Ấn Độ), Eureka (Ấn Độ), Elite (Australia).
“Đây là nền tảng để chúng tôi theo đuổi sứ mệnh mới: trở thành thương hiệu tự hào của Việt Nam trong lĩnh vực IoT ở thị trường quốc tế”, ông Tài nói.
Có nhà máy công nghệ cao giúp công ty mở rộng tập khách hàng và thị trường. Điều này phù hợp bối cảnh ngành sản xuất thiết bị IoT trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Theo số liệu Statista, ước tính có khoảng 75,44 tỷ thiết bị IoT được sử dụng trên toàn cầu vào năm 2025. Vì vậy, Lumi Smart Factory tạo trợ lực cho thương hiệu Việt, thêm nguồn cung cho nhiều công ty đối tác.
“Khi các doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm đứng lên làm sản xuất, tôi tin chắc trong 5-10 năm tới, chúng ta sẽ hãnh diện khi sử dụng sản phẩm Việt Nam như người Hàn Quốc, Nhật Bản”, CEO nêu.
Tham gia buổi khánh thành nhà máy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp công nghệ. Ông nhìn nhận thị trường IoT có nhiều chuyển biến tích cực và doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt xu thế để đứng vững trong thời đại công nghệ số.
Việc chuyển đổi không chỉ dừng ở chất lượng mà còn cần đi sâu về tư duy, mô hình của sản phẩm. Theo ông Bùi Thế Duy dù doanh nghiệp đã thành công, nhưng nếu ngừng nghiên cứu – phát triển sản phẩm vẫn có thể thất bại bất cứ lúc nào.
Nhận xét về Lumi Việt Nam, ông đánh giá doanh nghiệp đã liên tục chuyển đổi để đạt vị thế như hiện tại. Lĩnh vực IoT có nhiều thách thức nhưng Thứ trưởng kỳ vọng đơn vị sẽ đạt thành công, trở thành “niềm tự hào của Việt Nam”.
Năm 2012, Lumi tham gia thị trường nhà thông minh tại Việt Nam khi lĩnh vực này vẫn còn sơ khai. Qua 12 năm phát triển, đơn vị tự chủ trong nghiên cứu, cung cấp hệ sinh thái nhà thông minh đa dạng với hơn 80 sản phẩm.
Theo ông Bùi Thế Duy: “Câu chuyện của Lumi tạo động lực cho thế hệ trẻ yêu thích công nghệ, kinh doanh luôn tin vào chính mình và tạo ra sản phẩm của riêng mình, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. Điều này phù hợp bối cảnh Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng cao cùng tư duy linh hoạt. Thời gian gần đây, sản phẩm công nghệ của người Việt ngày càng được đối tác quốc tế đánh giá cao.
Nguồn: vnexpress