Hàng loạt ‘ông lớn’ đổ về đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Trị
Đầu năm 2022 đến nay, BQL khu kinh tế Quảng Trị đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 120,8 tỷ đồng, diện tích đất thuê trên 12,2 ha.
Quảng Trị đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn rót vốn vào đầu tư (Ảnh: Quangtri.gov)
Theo Ban quản lý (BQL) khu kinh tế Quảng Trị, tính chung đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) đã có 185 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 160.381 tỷ đồng, trong đó: 116 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 10.325 tỷ đồng, 69 dự án đang xây dựng, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 150.056 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, tại địa bàn các KCN, KKT Quảng Trị, một số nhà đầu tư đã đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án mới. Điển hình như: BB Group nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án trung tâm công nghiệp khí BBG Quảng Trị và cảng tổng hợp BBG Quảng Trị; Đầu tư Hacom Holding nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái và cây xanh, dịch vụ thể dục thể thao; thép Vina Roma Quảng Trị nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án khu liên hợp gang thép Quảng Trị; BĐS Capella nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án KCN sinh thái – Capella Quảng Trị tại KKT Đông Nam Quảng Trị…
Theo BQL khu kinh tế Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm, BQL khu kinh tế đã rà soát phân loại các dự án chậm tiến độ để hướng dẫn, đôn đốc và tham mưu phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, tập trung ở một số dự án trọng điểm như: dự án khu bến cảng Mỹ Thủy của Công ty Cổ phần liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy, nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim của Công ty Cổ phần thép hợp kim Tân Việt Quang, bến cảng CFG Nam Cửa Việt của Công ty TNHH CFG Quảng Trị, Kho xăng dầu Việt Lào của Công ty Cổ phần xăng dầu Việt Lào, khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá – huyện Vĩnh Linh của Công ty Cổ phần đầu tư Quang Anh Quảng Trị…
Bên cạnh đó, BQL khu kinh tế Quảng Trị cũng giới thiệu địa điểm, khảo sát thực địa, cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục đầu tư cho một số nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các KCN, KKT Quảng Trị; phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư: T&T – HEC – KOGAS – POSKO tổ chức lễ khởi công hợp phần kỹ thuật dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng 1.500MW tại KKT Đông Nam Quảng Trị vào ngày 15/1/2022; liên danh nhà đầu tư VSIP – Amata – Sumitomo tổ chức lễ khởi động dự án KCN Quảng Trị tổ chức vào ngày 30/4/2022; Công ty Cổ phần KLG tổ chức khởi công dự án khu dịch vụ và sản xuất rượu gạo Kim Long Giao.
Cũng theo BQL Khu kinh tế Quảng Trị, mặc dù thu hút đầu tư có khởi sắc, đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn hiện hữu như: công tác thu hồi đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhất là rừng phòng hộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số dự án; công tác giải phóng mặt bằng các dự án gặp khó do công tác quy chủ đất đai có nhiều vướng mắc, giá đất tăng cao gây khó khăn trong quá trình thực hiện kiểm kê, áp giá, đền bù.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng BQL khu kinh tế Quảng Trị cho biết, trong thời gian tới, BQL khu kinh tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư vào các KCN, KKT; đồng thời, sẽ thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
“BQL khu kinh tế sẽ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư khi triển khai dự án tại các KKT, KCN tỉnh; phối hợp các sở ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án hoàn thành các thủ tục đầu tư còn thiếu đối với các dự án trọng điểm tại KKT Đông Nam như: dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị, khu bến cảng Mỹ Thủy, dự án đầu tư khu công nghiệp Quảng Trị…; rà soát, đánh giá, phân loại các dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giao đất để đôn đốc, giám sát tiến độ triển khai thực hiện và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các dự án vi phạm vượt thẩm quyền”, ông Minh thông tin.