Hàn Quốc dẫn đầu vốn FDI ở Việt Nam với 70 tỉ đô la
Trong nửa đầu năm nay, nhà đầu tư Hàn Quốc đăng ký rót thêm trên 544 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam, nâng tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp xứ kim chi đạt gần 70 tỉ đô la, trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất ở thị trường hơn 100 triệu dân.
Toàn cảnh Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn |
Lượng vốn 70 tỉ đô la nói trên được đăng ký đổ vào hơn 8.000 dự án, tạo việc làm cho trên 700 ngàn lao động ở nhiều địa phương, đóng góp 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Những nội dung nói trên được công bố tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc vào chiều ngày 17-7 tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan đồng chủ trì nhằm góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều bộ, ngành, địa phương, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang đầu tư ở Việt Nam trong đó có những tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Samsung, Lotte, LG, SK,…
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ, nêu cụ thể các khó khăn vướng mắc đang là cản trở lớn với phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về phía đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan sẽ lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, trao đổi trực tiếp vào từng vấn đề với tinh thần thẳng thắn, không né tránh, theo trang web Chinhphu.vn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh năm 2020 Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020 – 2021, vì vậy: “Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung như là việc phối hợp khắc phục dịch bệnh Covid-19”, theo website VPCP.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cho rằng hội nghị được tổ chức dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, những chính sách của Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp thì hội nghị cùng là dịp để hai bên cùng thảo luận phương hơp hợp tác trong tương lai để 2 nước tiếp tục phát triển sau Covid-19.
Tại hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc nêu kiến nghị liên quan đến việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc để giao lưu nhân dân giữa hai nước sớm khôi phục trở lại. Để thúc đẩy vấn đề này, Đại sứ đề nghị các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc thành lập nhóm làm việc để thúc đẩy bình thường hóa giao lưu nhân dân.
Bên cạnh đó, Đại sứ Hàn Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp để không gặp khó khăn về TTHC, không gặp khó khăn trong quá trình thay đổi đăng ký đầu tư để mở rộng đầu tư. Đối với dự án xây dựng quy mô lớn có doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia, ông đề nghị có sự quan tâm tích cực để không phát sinh khó khăn do TTHC, không có nhà đầu tư nào thiệt hại ngoài ý muốn…
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tới đây tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Hội nghị tập trung thảo luận về ba nội dung chính, bao gồm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN Hàn Quốc, thảo luận về chính sách ứng phó, khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, và đồng thời đề ra phương án hợp tác giữa hai nước trong tương lai sau đại dịch. |
Nguồn: chinhphu.vn