Hải Phòng xin ý kiến Trung ương lập khu kinh tế 20.000 ha
Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vừa thông tin đề án thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hải Phòng ngày 4/6, ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất và xin ý kiến Trung ương về Đề án thành lập Khu kinh tế Nam Hải Phòng.
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng nằm trong phương án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp của Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 1/12/2023. Đây cũng sẽ là khu kinh tế ven biển thứ hai của TP Hải Phòng sau Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải được thành lập năm 2008.
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, nằm ở phía Đông Nam TP Hải Phòng có diện tích khoảng 20.000ha, trong đó diện tích lấn biển khoảng 2.900ha. Khu kinh tế này định hướng trở thành khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại; đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới.
Trên cơ sở định hướng đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố, tương đương với 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải năm 2023. Trong đó, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng vận hành 80% theo kế hoạch và hoàn thành các chỉ tiêu sau: 100% hệ thống hạ tầng theo Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tỉ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp và thương mại đạt 80%; thu hút đầu tư xã hội: 700.000 tỉ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp 2 triệu tỉ đồng. Khu kinh tế cũng được kì vọng đóng góp ngân sách: 550.000 tỉ đồng; tạo 301.000 việc làm…
Theo báo cáo từ Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, kết quả thu hút vốn đầu tư FDI vào thành phố những năm qua đều thuộc tốp dẫn đầu toàn quốc. Một số dự án tiêu biểu như: Tập đoàn LG – Hàn Quốc với 6 dự án có tổng vốn đầu tư trên 7,24 tỷ USD. Tập đoàn Bridgestone – Nhật Bản có tổng vốn đầu tư 1,22 tỷ USD; Tập đoàn Regina Miracle – Hồng Kông (Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Tập đoàn Pegatron – Đài Loan (Trung Quốc) có vốn đầu tư 800 triệu USD. Năm 2021 đạt 5,298 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI; năm 2022 đạt 2,083 tỷ USD; năm 2023 đạt 3,5 tỷ USD; tính đến 20.4.2024 đạt 285,74 triệu USD.
Về Đề án xây dựng Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng, trước đó, Ban Cán sự đảng UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng Đề án và đã được Thành ủy đồng ý, thống nhất cao báo cáo xin ý kiến Trung ương. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực này sẽ trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế TP Hải Phòng.
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, đây là dự án lớn, khó, tác động xã hội rộng. Với diện tích khoảng 20.000 ha, nằm trên địa bàn của 22 xã, phường thuộc 5 quận huyện: Đồ Sơn, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Khi triển khai thực hiện sẽ tác động đến nhiều vấn đề, như: Giải phóng mặt bằng, tái định cư, thay đổi cơ cấu việc làm…
Dự kiến đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố, tương đương với 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải năm 2023. Do đó, khu kinh tế này có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.
Theo Môi trường và Đô thị