Hai mặt của dòng chảy đầu tư ra nước ngoài
Những năm gần đây, ngoài dòng vốn đầu tư khu vực nhà nước, khối tư nhân (gồm cá nhân, các doanh nghiệp tư nhân) ngày càng mạnh dạn tham gia giành “miếng bánh” thị phần ở thị trường quốc tế. Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài đã đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp trong khai thác tài nguyên mà còn vươn ra cung cấp dịch vụ, bất động sản, tài chính, ngân hàng…
Chưa thực sự hiệu quả…
Một báo cáo về việc sử dụng vốn nhà nước cho biết đến ngày 31/12/2016, 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài nhưng có tới 25,5% số dự án báo lỗ; 29% số dự án lỗ lũy kế; 46,4% số dự án không có báo cáo về doanh thu, lợi nhuận.
Với 7 tỷ USD đầu tư, đến hết năm 2016, phần lợi nhuận được thu về là… 145 triệu USD, chỉ tương đương 2% tổng vốn đầu tư. Chưa kể tới tình trạng “tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại”, rủi ro thị trường, thậm chí có dự án phải dừng. Trong đó, hầu hết những cái tên được điểm danh toàn những “ông lớn”, những “quả đấm thép”.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài 6,67 tỷ USD (chiếm 53% tổng đầu tư của 110 dự án) đứng số 1 về giá trị đầu tư và cũng chiếm luôn vị trí quán quân thua lỗ số vốn lũy kế đến hết năm 2016 là 3,74 tỷ USD (chiếm 49%). Đáng kể hơn, PVN được cho là mất hàng chục ngàn tỷ đồng khi rót vào thị trường đầy biến động chính trị và lạm phát kinh niên Venezuela.
Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) với hàng loạt thương vụ đầu tư ra nước ngoài mất vốn, thua lỗ 111 tỷ đồng đầu tư vào Stung Treng ở Campuchia nguy cơ mất toàn bộ vốn; 184 tỷ đồng thăm dò mỏ bauxite ở Campuchia; 77,6 tỷ đồng khi hợp tác vào Công ty Southern Mining Co.Ltd được xác định gần như mất toàn bộ vốn. Chưa kể, khoản thua lỗ 69 tỷ đồng khi đầu tư vào dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào), 37,9 tỷ đồng vào dự án khai thác mỏ muối ở Công ty TNHH Vinacomin, Lào.
Tổng số vốn mà Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) chi ra hơn 1,4 tỷ USD để trồng hàng chục ngàn hecta cao su tại Lào, Campuchia nhưng hiệu quả mang lại rất thấp do giá cao su tiếp tục diễn biến bất lợi, cũng như năng lực quản trị, dự báo rủi ro còn nhiều hạn chế.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chỉ một mỏ muối kali với trên 500 triệu USD sau khi khởi công năm 2015 đã bị dừng dài hạn và giờ đã lọt trong danh sách những đại dự án nghìn tỷ thua lỗ kéo dài.
Khối doanh nghiệp tư nhân cũng gặp những trở ngại lớn khi “xuất ngoại”. Được thành lập từ tháng 10/2016, nhưng đến cuối tháng 6/2017, Thế giới di động mới có thể khai trương cửa hàng đầu tiên tại Phnom Penh, Campuchia do doanh nghiệp không mua được những nguồn hàng có thuế. BigPhone được dự báo sẽ có lợi nhuận từ cuối năm 2018, nhưng chắc chắn, tỷ suất lợi nhuận chưa thể cao bởi các chính sách thuế cũng như chi phí mặt bằng đắt đỏ.
Đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, dù đã rót hàng tỷ USD vào các dự án nông – lâm nghiệp như các trang trại trồng cao su, bò thịt hay mía đường tại Campuchia và Lào nhưng đến nay, hiệu quả mang lại chưa đáng kể mà tổng nợ phải trả đang gánh lên tới 1,5 tỷ USD và bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
…và những thành công đáng ghi nhận
Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) – một trong những tập đoàn tiên phong trong trào lưu đầu tư ra nước ngoài đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi mang quân đi đánh xứ người, đặc biệt ở hai thị trường Campuchia với mạng viễn thông Metfone và quốc gia Lào với thương hiệu Unitel. Dù vậy, các thị trường khác, nhất là những quốc gia nhỏ có quy mô dân số không đủ lớn, thương hiệu viễn thông số 1 Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn, khi lợi nhuận mang lại vẫn chưa đủ hấp dẫn so với số vốn bỏ ra. Tổng nợ phải trả cuối năm 2017 của Viettel Global lên đến hơn 33.500 tỷ đồng, trong đó các khoản vay ngắn hạn và dài hạn lên đến 19.800 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ trên tổng tài sản đã lên đến 64%, lỗ sau thuế lên tới 481 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến sữa tại Mỹ, Úc, New Zealand, Campuchia… Đầu năm nay, Tập đoàn TH khánh thành trang trại bò sữa đầu tiên tại Nga, đánh dấu bước đi đáng kể trong việc thâm nhập thị trường Đông Âu với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,7 tỷ USD.
Trên thị trường thực phẩm và đồ uống, chuỗi nhà hàng Wrap & Roll đã quay trở lại giấc mơ này với việc khai trương một số cửa hàng nhượng quyền tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hay Tập đoàn Masan đang từng bước đưa các dòng sản phẩm nước chấm vào các kệ siêu thị của Thái Lan.
Dấu ấn lớn nhất của người Việt trên sân chơi thế giới có lẽ là Tập đoàn FPT khi chứng kiến lợi nhuận từ các thị trường bên ngoài tăng 29% trong năm 2017. Với việc đóng góp gần 1/3 vào tổng lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn, định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT sau khi thoái vốn khỏi sân chơi bán lẻ.
Làn sóng mới có là cơ hội mới?
Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), năm 2017, hầu hết các dự án đầu tư ra nước ngoài đều không sử dụng vốn nhà nước (chỉ có 1 DNNN là Viettel đầu tư sang Nga, còn lại là 2 doanh nghiệp có vốn nhà nước là Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí), còn lại là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp FDI. Số lượng các dự án có nhà đầu tư là cá nhân cũng khá lớn, chiếm khoảng 1/3 số dự án cấp mới.
Nếu như năm ngoái, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ghi đậm dấu ấn với một loạt dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ viễn thông, thì những tháng đầu năm nay, tài chính ngân hàng đang là một điểm sáng. Tài chính ngân hàng là lĩnh vực dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài từ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, với tổng vốn đăng ký mới tăng thêm 105,77 triệu USD, chiếm 57,3%.
Sự hiện diện ngày càng lớn của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài cũng thúc đẩy các ngân hàng thương mại đi theo để cung cấp dịch vụ. Lào và Campuchia là 2 thị trường được ưa chuộng bậc nhất của các ngân hàng Việt khi quyết định đầu tư ra nước ngoài. Đây là điều là dễ hiểu khi đây không chỉ là 2 quốc gia láng giềng mà còn có mối quan hệ ngoại giao, thương mại thuận lợi và nhiều điểm tương đồng về văn hóa với Việt Nam.
Ngoài các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank, một số ngân hàng tư nhân như Sacombank, SHB, HDBank… tiếp tục có ý định mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh mới hay nâng vốn cho các ngân hàng con ở nước ngoài hoặc đang xúc tiến mở các chi nhánh tại nước ngoài, điển hình như SHB. Năm 2017, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh tại khu vực nước ngoài của SHB là 192 tỷ đồng, bẳng 10% tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này. SHB hiện có một ngân hàng con 100% vốn trực thuộc tại Lào và một ngân hàng con tại Campuchia. Nhà băng này dự kiến sẽ rót vốn, nâng vốn điều lệ của SHB Campuchia từ 50 triệu USD lên 75 triệu USD trong năm nay.
Nguồn: vietnamfinance.vn