Hà Nội: Tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Theo UBND TP. Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng 6,31%, đóng góp 1,27% vào mức tăng 7,79% của GRDP thành phố. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 6,73%, đóng góp 0,88% vào mức tăng của GRDP.
Ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, các cấp, ngành thành phố Hà Nội cũng chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, kết nối với các chuỗi cung ứng, xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Qua thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2022 tăng 6,6%, trong khi 6 tháng đầu năm 2021 chỉ số này tăng 8,7%.
Theo bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, số liệu này cho thấy, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, dịch Covid-19 được kiểm soát nên chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp công nghiệp của Hà Nội bị ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác, từ thiếu hụt nguồn nguyên liệu (đã sản xuất hết lượng dự trữ), vốn, nhân công, đến giảm đơn hàng, bị hủy đơn hàng, giảm sản lượng. Cùng với đó, tình hình xung đột trên thế giới và việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19, dẫn đến gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu, làm giá xăng dầu và nhiều hàng hóa tăng cao, tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp khiến giảm đà tăng trưởng.
Cũng theo UBND TP. Hà Nội, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, cũng như tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, trong năm 2022 Hà Nội tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động. Cùng với đó, thành phố tiếp tục khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020; thành lập, mở rộng 15-20 cụm công nghiệp mới; bổ sung 4 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Như vậy, việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cùng những chính sách ưu đãi đầu tư đã giúp Hà Nội nổi lên như một trong những địa phương thu hút các doanh nghiệp FDI tốt nhất cả nước.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai dự án… Qua đó phát huy tối đa hiệu quả của các dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các chủ đầu tư đã khởi công xây dựng 6 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng; Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên); Cụm công nghiệp Dị Nậu (huyện Thạch Thất); Cụm công nghiệp Thắng lợi, Cụm công nghiệp Tiền phong – giai đoạn 2 (huyện Thường Tín); Cụm công nghiệp Đan Phượng – giai đoạn 2 (huyện Đan Phượng).
Hiện nay, Sở Công thương Hà Nội đang đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, gồm: 37 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020 và Cụm công nghiệp Bình Minh – Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017.
Cùng với đó, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư mới, mở rộng 21 cụm công nghiệp; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp./.
Theo Môi trường và đô thị