Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 27 dự án có tổng vốn hơn 5.100 tỷ đồng
Ngày 6/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua 2 nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.
Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 27 dự án với tổng mức đầu tư là 5.168,873 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư là 634,134 tỷ đồng; trong đó, vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt là 241,378 tỷ đồng.
Trước đó, trình bày tờ trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, UBND thành phố Hà Nội đề xuất thông qua chủ trương đầu tư 47 dự án; trong đó, 40 dự án quyết định chủ trương đầu tư, 7 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Các dự án UBND trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp này là những dự án được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Quốc hội và Chính phủ thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật, giao thông (25 dự án), văn hóa, giáo dục, thể thao (10 dự án), đê điều, thủy lợi (11 dự án) và 1 dự án thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng sẽ được xem xét riêng theo quy định về bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, qua thẩm tra và xem xét 2 báo cáo bổ sung của UBND thành phố về lĩnh vực, Ban Kinh tế, Ngân sách đề nghị đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 3 dự án, do chưa đảm bảo yêu cầu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể: dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất; dự án xây dựng, hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, khu công nghiệp Dương Xá A, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2); dự án đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy hoạch từ đường quy hoạch 24,5m Yên Viên đến đường quy hoạch Yên Viên – Đình Xuyên – Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội).
Đối với dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng đường 70 (đoạn từ đường Trịnh Văn Bô đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm), qua thẩm tra, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cũng thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư.
Tuy nhiên, tại thời điểm này chưa thuyết minh được sự phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đến năm 2025 của ngân sách thành phố nên đề nghị UBND thành phố rà soát, nghiên cứu, tính toán, đề xuất nguồn vốn để đảm bảo tính khả thi, sớm trình HĐND thành phố Hà Nội tại kỳ họp sau.
Cũng tại kỳ họp, Ban Kinh tế, Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội đánh giá, hiện tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp (cả với kế hoạch vốn năm 2022 và kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài), nhiều đơn vị, lĩnh vực chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp dưới 10%.
Việc triển khai thủ tục đầu tư các dự án rất chậm, nhiều dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 nhưng triển khai chậm, giải ngân thấp. Đặc biệt, các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 chiếm tỷ trọng nguồn vốn lớn, tuy nhiên, tiến độ triển khai rất chậm, tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của thành phố.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, đến hết ngày 4/7/2022, tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách cấp thành phố là 17,91% và ngân sách cấp huyện là 27,43% kế hoạch vốn năm 2022; tương ứng ngân sách cấp thành phố giải ngân đạt 8,76% và ngân sách cấp huyện là 24,34% kế hoạch năm 2021 kéo dài.
Nguyên nhân giải ngân chậm không chỉ do một đơn vị, do chủ đầu tư mà do cả một quá trình tổ chức thực hiện dự án từ thủ tục đến khi thi công, vì thế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố cần rà soát quy trình chỉ đạo điều hành, quy trình vận hành và giải ngân, không chỉ dừng lại ở mức đôn đốc nhắc nhở; có biện pháp tăng cường thanh tra công vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục, phát hiện, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những hạn chế, tồn tại trong quá trình thụ lý hồ sơ và tổ chức thực hiện, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo ATM Biz