Hà Nội định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 08/KH-UBND về đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu rà soát quy định phân công, phân cấp quản lý hoạt động logistics trên địa bàn đảm bảo rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu và các quy hoạch ngành cũng như các kế hoạch triển khai quy hoạch để bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, tích hợp sâu dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển ngành.
Các trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai tiếp tục được nghiên cứu xây dựng, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng tại các khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng.
Thành phố định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội theo nguyên tắc dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng logistics. Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn và trong cả nước, với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế được thúc đẩy. Các hiệp hội ngành nghề liên quan đến dịch vụ logistics cũng được tạo điều kiện phát huy vai trò…
Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logictics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa được chú trọng. Cùng đó, kết hợp kiểm tra với hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình, điều kiện kinh doanh đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Các vi phạm xử lý nghiêm minh và kịp thời theo đúng quy định pháp luật để xây dựng thị trường kinh doanh dịch vụ logistics lành mạnh và hiệu quả, góp vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng.
Chú trọng hợp tác liên kết với các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với các tỉnh/thành phố trong nước và phối hợp với các Viện, Trường Đại học. Chương trình, các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về logistics cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp được xây dựng, tổ chức. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa các Viện, Trường Đại học, doanh nghiệp để hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp logistics (bao gồm cả đào tạo tại chỗ).
Nguồn: baoxaydung.com.vn