Hà Nam: Thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu công nghiệp
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung đầu tư vào tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư lớn, thân thiện với môi trường, có công nghệ sản xuất hiện đại,…
Theo tổng hợp của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hà Nam, tính đến hết tháng 6/2024, các KCN trong tỉnh thu hút được 596 dự án đầu tư, trong đó có 354 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD. Trong tổng dự án trên, có 128 dự án đầu tư của Hàn Quốc, chiếm hơn 1/3 dự án FDI, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD (tương đương 30% nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh). Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đứng thứ nhất về số lượng nhà đầu tư và đứng thứ hai về nguồn vốn đầu tư của tỉnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giải quyết việc làm cho 27.020 lao động và năm 2023 đóng góp ngân sách cho Nhà nước 568 tỷ đồng, trên tổng số 5.047 tỷ đồng của toàn KCN. Một số doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn như: Công ty TNHH Dream Plastic (77 tỷ đồng), Công ty TNHH Seoul Semiconductor (56 tỷ đồng), Công ty Dorco (42 tỷ đồng), Công ty Ace Antenna (31 tỷ đồng)…
Theo ông Ngô Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư (Ban Quản lý các KCN tỉnh), để có được kết quả trên, trước hết tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, trực tiếp sang Hàn Quốc giới thiệu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào KCN. Thông qua các kênh về quan hệ thương mại giữa hai nước, lồng ghép công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh tới doanh nghiệp Hàn Quốc. Các KCN ở tỉnh được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, có vị trí gần thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng rất thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư vào các KCN đánh giá cao môi trường thu hút đầu tư của tỉnh và tuyên truyền về chính sách thu hút đầu tư tới doanh nghiệp đang có hướng đầu tư vào Việt Nam. Khi nhà đầu tư vào địa bàn, chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, có nhiều cải cách về thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung đầu tư vào tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư lớn, thân thiện với môi trường, có công nghệ sản xuất hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp với tốc độ cao.
Về giải pháp thực hiện, UBND tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các KCN với hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nói chung, doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng. Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư nhanh gọn, thuận tiện, phối hợp với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành và doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng các KCN tập trung giải phóng mặt bằng các KCN; củng cố nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ các KCN; thực hiện tốt những cam kết của UBND tỉnh với nhà đầu tư; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư.
Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ các KCN để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư mới; chủ động tiếp xúc, liên hệ và làm việc với các nhà đầu tư có tiềm năng, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược đến từ Hàn Quốc để vận động, kêu gọi thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án FDI của doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn, tiếp tục được tỉnh quan tâm hỗ trợ, bảo đảm tiến độ, tuân thủ các quy định pháp luật và bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và tăng thu ngân sách.
Nguồn: moitruongvadothi