“Gỡ vướng” trong công tác nâng cấp cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Từ Liêm
Đến nay đã qua hơn 20 năm Cụm công nghiệp Từ Liêm đi vào hoạt động, nhà điều hành và nhà xưởng rất xuống cấp, về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đã không phù hợp với quy định hiện tại nên thường bị phạt hoặc đình chỉ sản xuất.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, đại diện Công ty TNHH Khuôn mẫu ARISTO Việt Nam nêu vướng mắc trong việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất tại các doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Từ Liêm.
Theo bà Tâm, hiện nay, Cụm công nghiệp Từ Liêm đang được quy hoạch là khu vực công viên cây xanh. Cụm Công nghiệp được hình thành và giao đất từ những năm 2002, thời gian là 50 năm. Thời điểm đó do nhu cầu cũng như tiềm lực của doanh nghiệp nên việc xây dựng nhà xưởng và nhà điều hành của các doanh nghiệp được phê duyệt tại bảng tổng mặt bằng do Ban quản lý khu chế xuất Hà Nội rất đơn giản.
Đến nay đã qua hơn 20 năm nhà điều hành và nhà xưởng rất xuống cấp, về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đã không phù hợp với quy định hiện tại nên thường bị phạt hoặc đình chỉ sản xuất. Trong khi đó nhu cầu của các doanh nghiệp tăng cao, nhằm tăng năng suất và cải tiến công nghệ, cạnh tranh, cũng như nhu cầu làm việc của cán bộ công nhân viên nên việc cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất là ưu tiên hàng đầu. Một số doanh nghiệp muốn chuyển đổi mô hình sản xuất sang kinh doanh thương mại dịch vụ, nhưng việc xin phép rất phức tạp và mất thời gian.
Trước thực trạng trên, đại diện Công ty TNHH Khuôn mẫu ARISTO Việt Nam đề nghị quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn, tạo điều kiện cũng như báo cáo Thành phố và các cấp có thẩm quyền cho các doanh nghiệp được phép xây dựng, cải tạo mới, bổ sung và chuyển đổi công năng sử dụng cho phù hợp.
Cũng liên quan tới vấn đề nâng cấp cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Từ Liêm, ông Nguyễn Trọng Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thiết bị Bilico nêu vấn đề: Hiện tại, hạ tầng Cụm công nghiệp đã xuống cấp. “Chúng tôi rất mong UBND, Ban Quản lý dự án quận đầu tư cho bảo trì bảo dưỡng, đặc biệt là hệ thống thoát nước mặt có tình trạng ngập úng sau mỗi trận mưa”, ông Huy bày tỏ.
Giải đáp các vấn đề trên, Trưởng phòng Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Bắc Từ Liêm Cấn Đức Dũng cho biết: Cụm công nghiệp Từ Liêm có tổng diện tích 65,07ha, thuộc địa bàn phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm và phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm. Cụm công nghiệp Từ Liêm được triển khai xây dựng với 2 giai đoạn (giai đoạn I bắt đầu từ năm 2000, giai đoạn II bắt đầu từ năm 2006) theo Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm, tỷ lệ 1/500 được Kiến trúc sư trưởng Thành phố chấp thuận 15/10/2001 và Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm (phần mở rộng) được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 159/2004/QĐ-UB ngày 19/10/2004.
Cụm công nghiệp Từ Liêm có 86 doanh nghiệp được UBND thành phố Hà Nội có quyết định giao đất để đầu tư sản xuất kinh doanh, thực tế hiện nay có 162 doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp đã xây dựng và đưa vào sử dụng ổn định.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị GS, tỷ lệ 1/5000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 13/8/2015; Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 14/3/2018, Cụm công nghiệp Từ Liêm được quy hoạch là Công viên quảng trường trung tâm và Công viên văn hóa – lịch sử, thuộc danh mục các cụm công nghiệp được giữ nguyên hiện trạng để thực hiện theo quy hoạch. Do vậy, đề xuất của doanh nghiệp được đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất là không thực hiện được.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Bắc Từ Liêm đưa ra một số hướng gợi mở như: Trên cơ sở giữ nguyên công trình đã được đầu tư theo quy hoạch được duyệt hiện có, doanh nghiệp có thể thực hiện đầu tư cải tạo, chỉnh trang, chuyển đổi công năng sử dụng, bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy cho phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Ông Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp có văn bản đề xuất với UBND quận để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Cùng giải đáp vấn đề liên quan tới hạ tầng kỹ thuật của Cụm công nghiệp Từ Liêm, ông Nguyễn Minh An, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận cho hay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Từ Liêm đã được đưa vào sử dụng từ năm 2002 để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đến nay đã xuống cấp. Từ thời điểm đưa vào sử dụng tới nay, chưa được sửa chữa lớn, mà chỉ được duy tu, duy trì hằng năm. Thời gian qua, Ban quản lý dự án cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị thi công khơi thông cống rãnh để đảm bảo thoát nước tại cụm công nghiệp.
“Về việc bảo trì bảo dưỡng hệ thống thoát nước mặt, UBND quận Bắc Từ Liêm đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm thực hiện các gói thầu dịch vụ chung, trong đó có gói thầu duy trì hệ thống thoát nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống chiếu sáng các tuyến đường nội bộ trong cụm công nghiệp bằng nguồn thu từ giá sử dụng các dịch vụ tiện ích chung, dịch vụ xử lý nước thải thu của các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Từ Liêm. Dự kiến, các gói thầu nêu trên sẽ được thực hiện trong tháng 6/2024. Khi các gói thầu được triển khai sẽ góp phần hạn chế tình trạng ngập úng tại các cụm công nghiệp”, ông An chia sẻ.
Theo Môi trường và Đô thị