Giữa làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, Ấn Độ thu hút FDI kỷ lục

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết FDI trong năm tài chính 2019 – 2020 của Ấn Độ tăng 13% so với cùng kỳ trước đó.

Số liệu từ Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại nội địa Ấn Độ (DPIIT) cho thấy tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020 đạt mức kỷ lục 49,97 tỷ USD, tăng 13% so với mức 44,36 tỷ USD đã thu hút được trong năm tài chính trước.

Nếu tính cả vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp chưa hợp nhất, các khoản tái đầu tư và vốn khác thì tổng vốn FDI thu được trong năm qua ở mức 73,4 tỷ USD, tăng 18% so với mức 63 tỷ USD của năm tài chính 2018-19.

Lĩnh vực dịch vụ, bao gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và gia công là ngành nhận vốn đầu tư nước ngoài cao nhất với 7,8 tỷ USD, tiếp đến, lĩnh vực phần mềm và phần cứng máy tính thu hút được 7,67 tỷ USD, viễn thông 4,44 tỷ USD, thương mại 4,57 tỷ USD, ngành công nghiệp ô tô 2,82 tỷ USD, xây dựng 2 tỷ USD và hóa chất 1 tỷ USD..

Về khu vực địa lý, bang Maharashtra tiếp tục là điểm đến được ưa chuộng nhất của các nhà đầu tư, thu hút được 7,2 tỷ USD FDI trong năm qua, tiếp theo là bang Karnataka với 4,2 tỷ USD, vùng thủ đô Delhi thu hút được 3,9 tỷ USD, bang Gujarat – quê hương của Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi thu hút được 2,5 tỷ USD, đáng chú ý bang Jharkhand, một bang rất nhỏ với diện tích 79.710 km2 và dân số khoảng 33 triệu người đã thu hút được 1,8 tỷ USD trong năm 2019-2020.

Về đối tác đầu tư, Singapore nổi lên là nguồn FDI lớn nhất ở Ấn Độ trong tài khóa vừa qua với tổng mức đầu tư 14,67 tỷ USD, tiếp đến là Mauritius 8,24 tỷ USD, Hà Lan 6,5 tỷ USD, Mỹ 4,22 tỷ USD, Nhật Bản 3,2 tỷ USD…

FDI đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Ấn Độ, theo chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2019 – 2024 Ấn Độ đang cần những khoảng 1000 tỷ USD vốn đầu tư để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, ngày 17/4/2020, DPIIT sửa đổi quy định về chính sách thu hút FDI từ các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc, Nepal, Myanmar, Bhutan, Afghanistan, Pakistan và Bangladesh vào Ấn Độ phải được chính phủ Ấn Độ phê duyệt trước.

Theo đó, một doanh nghiệp của các nước láng giềng, hoặc chủ sở hữu, đối tượng hưởng các lợi ích từ khoản đầu tư FDI vào Ấn Độ mà ở các nước láng giềng, hoặc công dân của các nước láng giềng khi đầu tư FDI vào Ấn Độ phải có sự chấp thuận trước của chính phủ. Đây được xem như quy định để ngăn chặn dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Nguồn: cafef.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo