An Giang đón “đại bàng về làm tổ”
Loạt tập đoàn lớn như THACO, TH, T&T Group, Tân Long, Nam Việt, Sao Mai… đã lần lượt về An Giang “làm tổ” với những dự án điển hình…
COVID-19 đặc biệt ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu hút đầu tư tại các tỉnh phía Nam năm 2021. An Giang không ngoại lệ. Song, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, công tác xúc tiến đầu tư và chính sách hợp lý, những lợi thế nổi bật của địa phương, An Giang đang là điểm đến của loạt nhà đầu tư lớn.
Nhân dịp đầu năm mới 2022, BizLIVE có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về sức hút nổi bật này.
Thưa ông, hai năm COVID, đặc biệt đợt giãn cách xã hội kéo dài trong 2021 tại các tỉnh phía Nam, An Giang hẳn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư và phát triển các dự án mới?
Đúng vậy, Đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của nhiều tỉnh, thành cả nước, trong đó có An Giang.
Sau hơn 6 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau, công tác thu hút đầu tư cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, khiến số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường và đăng ký đầu tư giảm mạnh.
Trong năm 2021, An Giang chỉ thu hút được 18 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới trên 947 tỷ đồng, gồm 17 dự án đầu tư trong nước và 01 dự án FDI. So với cùng kỳ năm 2020, số dự án bằng 40% (giảm 27 dự án), vốn đăng ký đầu tư chỉ bằng 12,77% (giảm 6.466 tỷ đồng).
Để vượt qua những khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức mới, linh hoạt hơn, sáng tạo hơn nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điều này đã tạo niềm tin lớn từ phía nhà đầu tư vào sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh với mục đích tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh còn nhiều dư địa phát triển của tỉnh An Giang sau khi đại dịch được kiểm soát.
Dù vậy, thực tế cho thấy nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều dự án lớn đang tập trung tại An Giang ở giai đoạn này…
Trong số các dự án đã và đang triển khai trên nhiều lĩnh vực có thể kể đến như Dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao do Tập đoàn TH đầu tư với quy mô 178,4 ha, tổng vốn đăng ký 2.655 tỷ đồng đã được khởi công và tiến hành xây dựng.
Dự án Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long với quy mô 16 ha, tổng vốn đăng ký 1.100 tỷ đồng đã hoàn thành chuẩn bị đưa vào vận hành, sử dụng.
Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú và Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú) của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú thuộc Công ty Cổ phần Nam Việt với quy mô 600 ha, vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động.
Các trang trại nuôi heo công nghệ cao do các công ty thành viên thuộc Tập đoàn THACO đầu tư có quy mô từ 10.000 đến 50.000 con cho mỗi dự án cũng đã hoàn thành đúng tiến độ, đang vận hành khai thác và xin tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo đợt phá mới cho nền nông nghiệp tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn và người nông dân cũng sẽ được hưởng lợi.
Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, An Giang còn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị với hàng loạt dự án đã và đang được triển khai như: Golden City, Diamond City, Marina Plaza và Khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ với quy mô 35.811 m2, tổng vốn thực hiện dự án là 2.378 tỷ đồng, sắp tới là dự án Khu Đô thị mới Vàm Cống với quy mô 128ha, tổng vốn đăng ký là 3.910 tỷ đồng tại phường Mỹ Thới và Mỹ Thạnh.
Dự án Khu Đô thị mới Bình Khánh với quy mô 132 ha tại phường Bình Khánh và xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên với tổng số vốn đăng ký trên 4.740 tỷ đồng do Tập đoàn T&T đầu tư.
Các dự án này sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái đô thị khép kín, gắn với đô thị thông minh, đồng bộ, mang bản sắc đô thị sông nước Miền Tây, sẽ mang đến diện mạo mới, hiện đại, năng động cho Đô thị loại I thành phố Long Xuyên trong tương lai.
Khi các công trình, các dự án trên đi vào hoạt động sẽ tác động như thế nào đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thưa ông?
Hiện nay, các dự án đầu tư ngoài ngân sách triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ đã đăng ký, các nhà đầu tư có đủ nguồn lực và kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là các dự án về nông nghiệp, du lịch, phát triển đô thị, năng lượng sạch của các tập đoàn: T&T, Tân Long, Sao Mai, TH, Việt Úc, THACO và Nam Việt.
Các dự án này sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh, từng bước xây dựng nền nông nghiệp An Giang trở thành trụ cột, là động lực và là nền tảng phát triển các ngành nghề khác.
Mặt khác, khi các dự án đi vào hoạt động, nhất là các dự án phát triển năng lượng, xây dựng hạ tầng công nghiệp và phát triển đô thị sẽ nâng cao chất lượng đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân, bảo đảm thực thi các chính sách an sinh xã hội.
Việc triển khai thực hiện các dự án sẽ là động lực để tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, từng bước đảm bảo và đáp ứng các điều kiện để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt là dòng vốn FDI tạo nhiều công ăn, việc làm, tăng nguồn thu để bổ sung và bù đắp vào những khoản thiếu hụt hoặc mất cân đối do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
An Giang là một trong những tỉnh nông nghiệp trọng điểm của cả nước, vậy thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thời gian qua như thế nào?
Điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú cùng với chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đã thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào các dự án nông nghiệp trọng điểm như: Tập đoàn Lộc Trời, Tân Long đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo; Tập đoàn TH, THACO đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; Vĩnh Hoàn, Việt Úc, Nam Việt đầu tư vào lĩnh vực thủy sản…
Tính đến nay, đã có 69 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn hơn 28.389 tỷ đồng; trong đó tỉnh An Giang đã xem xét hỗ trợ sau đầu tư với số tiền 78,197 tỷ đồng cho 12 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong đó, có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như Dự án Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc của Công ty Cổ phần Gạo Hạnh Phúc (thành viên Tập đoàn Tân Long), diện tích đăng ký thực hiện 16 ha, tổng vốn đầu tư 1.352 tỷ đồng, quy mô sấy 4.800 tấn lúa tươi/ngày; gạo thành phẩm 1.600 tấn/ngày.
Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh An Giang của công ty thành viên Tập đoàn TH, diện tích đăng ký thực hiện 178,4 ha, với tổng vốn đầu tư 2.655 tỷ đồng, quy mô chăn nuôi đạt 10.000 con, công suất nhà máy chế biến sữa đạt 135 tấn/ngày.
Dự án Trại heo nái – heo thịt công nghệ cao THAGRICO diện tích đăng ký thực hiện 147 ha, tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, quy mô chăn nuôi đạt 182.600 con, trong đó có 16.600 heo nái và 166.000 heo thịt.
Dự án xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn), diện tích đăng ký thực hiện 44 ha, tổng vốn đầu tư 63 tỷ đồng, quy mô dự án đạt trên 1,5 triệu con cá tra hậu bị/năm (tỷ lệ 1kg/con), cá tra bố mẹ đạt 12.000 con/năm (tỷ lệ 3kg/con), cá tra thực nghiệm 5.300 tấn/năm…
Trong các dự án trên, Tập đoàn Tân Long đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo hiện đại bậc nhất châu Á tại tỉnh An Giang với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Ông có thể chia sẻ đôi điều về dự án này?
Tỉnh An Giang luôn chào đón tất cả các nhà đầu tư, đặc biệt rất hoan nghênh và vui mừng được Tập đoàn Tân Long – một trong những thương hiệu uy tín, vị thế hàng đầu trên thị trường nông sản – đã quan tâm và đầu tư dự án Nhà máy chế biến gạo tại An Giang.
Dự án được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại năm 2018, với mục tiêu đăng ký thực hiện dự án ban đầu là “Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo Hạnh Phúc nhằm cung cấp gạo chế biến cho thị trường gạo xuất khẩu với trang thiết bị hiện đại, cũng như chế biến lương thực sau thu hoạch tại huyện Tri Tôn và khu vực lân cận”.
Quy mô và năng lực của Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long được đầu tư tại huyện Tri Tôn, có tổng diện tích 16.000ha; Công suất sấy: 4.800 tấn/ngày; Công suất lưu trữ bằng SILO thép: 240.000 tấn/80 SILO; Công suất xay xát – đánh bóng – tách hạt: 1.600 tấn lúa khô/ngày, góp phần hỗ trợ liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ tại địa phương.
Có thể nói mời gọi được những doanh nghiệp lớn đến An Giang đầu tư là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn bình thường mới “vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19”.
Thành tích này đạt được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong những năm qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Song song đó, tỉnh cũng vận dụng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo hướng có lợi nhất cho nhà đầu tư khi đầu tư vào An Giang nói chung, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Với sự chủ động, quyết liệt, An Giang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Tân Long.
Năm 2022, An Giang sẽ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh và chuỗi các sự kiện lớn của địa phương. Đây hẳn là năm đặc biệt gắn với những mục tiêu mới?
2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm (2021-2025) của tỉnh. Đứng trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, An Giang đã nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch.
Theo đó, về một số chỉ tiêu cụ thể, tỉnh An Giang đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 là 5,20%; GRDP bình quân đầu người là 52,660 triệu đồng/người/năm; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.155 triệu USD; Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn tỉnh là 6.183 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh An Giang trên 03 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cùng đó, thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.
Nguồn: nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn