Giám đốc điều hành Pebsteel lạc quan về triển vọng ngành nhà thép tiền chế trong năm 2022
Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty TNHH Nhà Thép PEB (Pebsteel) – ông Adib Kouteili bày tỏ lạc quan về triển vọng ngành nhà thép tiền chế trong năm 2022, nhờ hai động lực công nghiệp hóa và đô thị hóa hậu Covid-19.
Với 40 năm kinh nghiệm trong ngành thép tiền chế, ông Adib Kouteili thuộc thế hệ doanh nhân tiên phong mang khái niệm “nhà thép tiền chế” du nhập vào Việt Nam. Ông cùng Sami Kteily đồng sáng lập công ty Pebsteel vào năm 1994 tại Châu Âu nhằm cung cấp giải pháp xây dựng nhà thép tiền chế và kết cấu thép.
– Là ‘cây đại thụ’ trong ngành nhà thép tiền chế, ông nhận định thế nào về thị trường này?
Nhà tiền chế (Pre-Engineered Building/PEB) ra đời năm 1960 ở Hoa Kỳ sau đó lan rộng sang Châu Âu. Doanh thu toàn cầu của ngành đã liên tục tăng trưởng những năm qua, đạt 27,1 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến sẽ cán mốc 49,1 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR đạt đến 10,1%, theo Global Industry Analysts.
Thép cường độ cao là vật liệu chủ đạo trong nhà tiền chế. Tôi lạc quan rằng, nhà thép tiền chế hiện là thị trường ngách, song ngày càng được ưa chuộng và có tiềm năng tăng trưởng, có thể mở rộng thị phần hơn trong tương lai. Bên cạnh nhiều lợi thế sản phẩm, còn có 2 trụ động lực khác thúc đẩy ngành này bứt phá là công nghiệp hóa và đô thị hóa.
– Cụ thể thì hai trụ động lực này tác động ra sao đến triển vọng ngành nhà thép tiền chế?
Đầu tiên, nhà thép tiền chế đáp ứng 3 yêu cầu cấp yếu “bền chắc – nhanh chóng – tiết kiệm” trong xu hướng công nghiệp hóa. Theo thống kê, 80% nhà kho trên khắp thế giới đều là nhà thép tiền chế. Với ưu điểm như thi công nhanh, tiết kiệm chi phí, dễ dàng mở rộng, và tuổi thọ lên đến 100 năm, nhà thép tiền chế đã chứng tỏ khả năng khắc phục được hầu hết nhược điểm cơ bản của nhà bê tông cốt thép truyền thống. Hiện nay, nhà thép tiền chế đang ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi với mọi loại công trình từ nhà ở dân dụng đến các công trình thương mại, công cộng. Pebsteel từng tạo đột phá với nhà máy lọc tinh dầu cọ cao nhất (68m) Indonesia; nhà chứa máy bay với khung kèo không cột giữa rộng nhất (128m) tại Philippines; nhà kho dài nhất (trên 1km) tại Thái Lan; nhà máy sản xuất ô tô Vinfast Hải Phòng rộng 222.000 m2 hoàn thành trong 5 tháng.
Thứ hai là xu hướng đô thị hóa, gia tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và đầu tư tư nhân vào các dự án xây dựng dân dụng, thương mại – dịch vụ. Nhà thép tiền chế chinh phục các chủ đầu tư, nhà thầu và kiến trúc sư nhờ kỹ thuật vật liệu – thiết kế – thi công ngày càng được cải tiến. Tại Pebsteel, chúng tôi thậm chí đã liên tục tự phá vỡ các kỷ lục của chính mình. Có thể kể đến tòa nhà văn phòng 14 tầng khung thép tiền chế tại Manila (Philippines); mái che cong độc đáo cho dự án nghỉ dưỡng Okada Manila (tên cũ Manila Bay Resorts).
– Việt Nam ở đâu trên bản đồ ngành nhà thép tiền chế trong hiện tại và tương lai, thưa ông?
Năm 1993, tôi đặt chân đến Việt Nam. Thời điểm đó, rất ít nhà đầu tư nhận ra có một “mãnh hổ châu Á đang ngủ” tại Việt Nam. Chúng tôi đã không bỏ lỡ cơ hội này, bắt đầu đầu tư và phát triển nhà thép tiền chế tại Việt Nam.
Ngành thép nói chung hiện có 200 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 750.000 lao động, và khoảng 85% công trình xây dựng tại Việt Nam áp dụng công nghệ thép tiền chế – sản phẩm mà Pebsteel tiên phong trong thị trường ngành thép Việt.
Pebsteel đặt trọng tâm chính vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi hiện có 7 nhà máy quy mô lớn, trong đó 6 nhà máy đặt tại Việt Nam và 1 nhà máy tại Myanmar. Từ trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh, Pebsteel đến nay đã sở hữu 10 văn phòng kinh doanh tại 6 quốc gia Đông Nam Á cùng mạng lưới đối tác tại 15 quốc gia châu Phi và Trung Đông. Ngoài ra, Pebsteel đã hoàn thành hơn 6.000 công trình cho khách hàng đến từ hơn 50 quốc gia, mang về doanh thu trên 100 triệu USD mỗi năm.
– Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến xây dựng nói chung và nhà thép tiền chế nói riêng. Ông đánh giá thế nào về triển vọng ngành trong 2022?
2020-2021 là giai đoạn khó khăn với mọi ngành nghề, nhiều doanh nghiệp “thấm đòn” bởi đại dịch. Ngành xây dựng cũng không nằm ngoài cơn bão, mức tăng trưởng giảm xuống 6,76% năm 2020 và chỉ 0,63% năm 2021, so với 9,1% năm 2019, theo Tổng cục Thống kê. Song vượt qua thách thức chung, ngành thép vẫn lội ngược dòng với mức tăng trưởng hơn 16% trong năm 2021, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
Liên quan mật thiết đến các ngành trên, nhà thép tiền chế cũng đạt được kết quả tích cực cùng kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. 2022 chắc chắn sẽ là một năm triển vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục trở lại, đầu tư công nghiệp và đô thị gia tăng, tiêu thụ nhà thép tiền chế tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng.
– Pebsteel sẽ làm gì trước thị trường đầy tiềm năng này, đón đầu triển vọng ngành hậu Covid-19?
Chúng tôi đã đề ra chiến lược kinh doanh dài hạn, không chỉ hậu Covid-19 mà còn đến 2030. Đầu năm 2022, Pebsteel đã hoàn tất việc tái định vị thương hiệu, khẳng định là công ty hàng đầu về nhà thép tiền chế với loạt giải pháp tiên tiến tối ưu, bền vững và an toàn. Website, logo, tuyên ngôn… đều đồng loạt “thay áo mới”, truyền tải đầy đủ tinh thần của thương hiệu và tầm nhìn đồng hành thịnh vượng cùng khách hàng, đối tác và nhân viên.
Pebsteel cũng tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào QRD (Nghiên cứu & Phát triển Chất lượng), trao quyền cho nhân viên theo đuổi các ý tưởng cải tiến chưa từng có để duy trì lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi liên tục đưa ra ý tưởng tiên phong cho các sản phẩm cải tiến như: khung kèo PebHybrid®, vật liệu cách nhiệt đặc biệt PebINSUL™, tôn vách PebWall®, tôn ốp PebLiner™, tấm cách nhiệt không sợi thủy tinh PebFoam™,… Ngoài ra, công suất 100.000 tấn/năm và lượng vật liệu dự trữ lớn 15.000 tấn cũng là điểm mạnh giúp Pebsteel có thể đảm nhận các công trình tầm cỡ.
Với trợ lực từ 2 cổ đông lớn Nhật Bản (Nippon Steel và Okaya & Co., Ltd.) từ năm 2009, Pebsteel đã thiết lập chuẩn mực mới cho ngành xây dựng nhà thép tiền chế thông qua giải pháp hiệu quả, đội ngũ năng động, cam kết hợp tác. Cải tiến thiết kế kỹ thuật, cải tiến cấu kiện, sáng tạo vật liệu mới, và giảm rác thải xây dựng là những nỗ lực của Pebsteel hướng đến với mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua công nghệ vật liệu thân thiện với môi trường và thiết kế tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng, Pebsteel tự hào tiên phong về Công trình Xanh đạt tiêu chuẩn LEED®, đồng thời giúp các đối tác vận hành thành công nhà máy đạt tiêu chuẩn bền vững LEED® của Hiệp hội Công trình Xanh Hoa Kỳ.
Ngoài ra, các công trình do chúng tôi thiết kế và thi công luôn tuân thủ các quy tắc thiết kế quốc tế mới nhất. Các vật liệu đa năng tại Pebsteel được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của Hội Thử nghiệm và Vật liệu Mỹ (ASTM). Với đội ngũ nhân sự hùng hậu hơn 1.400 nhân viên và kỹ sư giàu kinh nghiệm, chúng tôi cam kết mang đến những dịch vụ vượt xa mong đợi của khách hàng, cung cấp giải pháp tốt nhất trong vận hành kỹ thuật, tự hào dẫn đầu về chuẩn mực chất lượng nhà thép tiền chế tại Việt Nam.