Gia Lai khởi động “làn sóng” đầu tư nước ngoài vào điện gió
Dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vừa thu hút thêm 1 cổ đông đến từ Thái Lan. Điều này càng tiếp thêm nguồn lực giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào vận hành theo đúng kế hoạch; đồng thời, mở đầu cho “làn sóng” thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đầy tiềm năng của tỉnh.
Dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai có vùng hiệu suất gió 654 ha, công suất 50 MW; còn dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên của Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai có vùng hiệu suất gió 464 ha, công suất 50 MW.
2 dự án này có tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng, do liên danh Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động trong năm 2021, cả 2 dự án có tổng sản lượng hơn 319,5 triệu kW/năm, doanh thu hơn 627,6 tỷ đồng/năm, đồng thời nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 18-9-2020, EPVN W2 (HK) Company Limited đã trở thành cổ đông mới sở hữu 9% cổ phần của Công ty cổ phần Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai và 10% cổ phần của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai. Được biết, EPVN W2 (HK) Company Limited là một trong những công ty con của Tập đoàn Eastern Power Group-một tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan chuyên đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo. Tập đoàn này đã đầu tư nhiều dự án điện mặt trời và điện gió tại nhiều tỉnh, thành của nước ta và các nước khác.
Nói về việc bổ sung cổ đông và chuyển nhượng cổ phần này, ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Theo Luật Đầu tư thì việc góp vốn, mua cổ phần của EPVN W2 (HK) Company Limited tại 2 dự án điện gió trên là hoàn toàn bình thường. Ở bất cứ dự án nào, nếu có bổ sung thêm nhà đầu tư thì trước khi chấp thuận cho phép góp vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với một số sở, ngành liên quan thẩm định kỹ càng năng lực của nhà đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ triển khai dự án”.
Thông tin từ Sở Công thương cho biết, tính đến hết tháng 5-2020, cả nước đã có hơn 90 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW vận hành thương mại. Trong số này, có một số dự án đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần… cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Ả rập Xê Út…
Theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam điểm a, Điều 12 khẳng định: “Nhà đầu tư được huy động vốn dưới các hình thức pháp luật cho phép từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện gió”.
Ông Hoàng Tiến Dũng-Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) khẳng định: “Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là điều bình thường trong cơ chế thị trường và được Luật Đầu tư cho phép. Đối với bất cứ nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đủ năng lực, đáp ứng được các điều kiện chuyển nhượng dự án thuộc ngành nghề có điều kiện và được pháp luật cho phép thì có thể chuyển nhượng”.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng nêu quan điểm: “Dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng cần một nguồn vốn rất lớn và trang-thiết bị, kỹ thuật, công nghệ đặc thù. Việc doanh nghiệp trong nước chuyển nhượng lại toàn bộ hoặc một phần dự án cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là cách để dự án đảm bảo nguồn lực triển khai đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn trực tiếp triển khai dự án, họ phải tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu, thực hiện các quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt trong việc làm thủ tục đầu tư; trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thì hiểu rõ cơ chế, quy trình thủ tục nên triển khai thực hiện dự án nhanh hơn. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn phương thức “đi tắt”, chuyển nhượng cổ phần của dự án nào đó của nhà đầu tư trong nước để được đầu tư. Tôi cho rằng, đây là một hình thức thu hút đầu tư FDI hiệu quả”.
Tại Gia Lai, Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung quy hoạch 14 dự án về điện gió với tổng công suất khoảng 1.200 MW. Nhà đầu tư đang nỗ lực triển khai những thủ tục cần thiết để các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2021. Riêng 2 dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên được đánh giá phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung, chính sách đầu tư của tỉnh nói riêng.
Nguồn baogialai.com.vn