Gia Lai: Khởi công 2 dự án điện gió quy mô lớn
Sáng 24-9, dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên chính thức động thổ. 2 dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện của khu vực và bổ sung cho lưới điện quốc gia, đồng thời “chắp cánh” cho ngành năng lượng tái tạo của tỉnh Gia Lai phát triển.
Hai dự án điện gió quy mô lớn
Theo bản thuyết minh, dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty cổ phần điện gió Chư Prông Gia Lai có vùng hiệu suất gió 654 ha, công suất 50 MW, còn dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên của Công ty cổ phần năng lượng gió Chư Prông Gia Lai có vùng hiệu suất gió 464 ha, công suất 50 MW. 2 dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, được triển khai tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông), do liên danh Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021. Dự kiến, cả 2 dự án có tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kW/năm; doanh thu hơn 627,6 tỷ vđồng/năm; nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Sen-Giám đốc Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai-cho biết: “2 dự án phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung, chính sách đầu tư của tỉnh nói riêng. Đồng thời, 2 dự án giúp thúc đẩy việc xây dựng các công trình năng lượng tái tạo nhằm khai thác nguồn năng lượng thiên nhiên vô tận, hạn chế phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Chúng tôi mong muốn thông qua dự án sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương cũng như tạo việc làm cho lao động tại chỗ”.
Xã Bàu Cạn có tiềm năng gió khá tốt với vận tốc gió 5,6-7 m/s tại độ cao 100 m; đồng thời có lợi thế về giao thông thuận tiện, khối lượng đấu nối lưới điện ít, cách xa khu dân cư; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều thuận lợi. Theo đó, khi triển khai thi công dự án và đưa nhà máy vào hoạt động sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái khu vực. Mặt khác, các turbine gió sẽ tạo một hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành du lịch địa phương và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Trong chuyến thị sát dự án này hồi tháng 2-2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đánh giá rất cao tiềm lực của nhà đầu tư cũng như tính khả thi của dự án. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, dự án thực hiện tại địa điểm có đất đai bằng phẳng, không thuộc diện giải tỏa đền bù, đồng thời sức gió mạnh, vượt so với tiêu chuẩn quy định, nhà đầu tư có tiềm lực; đặc biệt, lãnh đạo tỉnh quan tâm, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình khảo sát đến lập dự án.
Theo thông tin từ nhà đầu tư, Nhà máy Điện gió phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên được xây dựng gần lưới điện hiện có và quy hoạch trong tương lai nên thuận lợi đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, tại vị trí dự án, nhà đầu tư sẽ xây dựng trạm nâng áp 35/110 kV-2×63 MVA, xây dựng mới đường dây 110 kV, mạch kép, sử dụng dây dẫn phân pha 2xAC185 mm2, từ trạm biến áp 35/110kV; nhà máy điện gió sẽ đấu nối chuyển tiếp vào đường dây 110 kV Diên Hồng-Chư Sê với chiều dài tuyến đường dây khoảng 5,2 km. Lưới điện đấu nối hoàn toàn phù hợp với lưới điện 110 kV, 220 kV khu vực theo Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.
“Thủ phủ” điện gió trong tương lai
Với tốc độ gió nhiều nơi đạt 6-8 m/s, Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió. Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã rất tích cực trong công tác xúc tiến, thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Trước dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh đã có 1 dự án được triển khai thi công. Đó là dự án trang trại Phong điện HBRE Chư Prông với công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng; trong đó, công suất của giai đoạn 1 là 50 MW, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I-2021.
Ông Hồ Tá Tín-Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai-nhận định: “Lĩnh vực năng lượng tái tạo hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường. Các dự án điện gió thực sự mang lại nhiều lợi ích. Ngoài việc đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thì các dự án này sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, tạo việc làm, tăng cường nguồn điện cho lưới điện khu vực, cải thiện điện áp và tăng thêm độ an toàn cung cấp điện cho phụ tải các khu kinh tế của tỉnh và các tỉnh trong khu vực”.
Trao đổi với P.V, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: “Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, UBND tỉnh đã đồng ý cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát 180 dự án, trong đó chiếm phần lớn là điện gió với 112 dự án, còn lại là điện mặt trời. Tính trung bình, cứ 1 MW mang lại 200 triệu đồng tiền thuế mỗi năm thì khi các dự án này đi vào hoạt động, nguồn thu ngân sách địa phương sẽ tăng lên rất nhiều”.
Với tiềm năng dồi dào cũng như sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư, cộng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, Gia Lai sẽ sớm trở thành “thủ phủ” của điện gió, góp phần quan trọng để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian tới.
Nguồn gialai.gov.vn